Cần nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”
Chủ động ứng phó trước nguy cơ cháy nổ
Thời gian gần đây, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC" được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn Hà Nội nhằm chủ động ứng phó trước nguy cơ xảy ra cháy, nổ; đồng thời thông qua hoạt động của mô hình để truyền đạt kiến thức về pháp luật và kỹ năng PCCC & CNCH cho người dân nắm rõ.
“Tổ liên gia an toàn PCCC” là tập hợp các hộ gia đình, nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh liền kề nhau. Các hộ gia đình gần nhau sẽ liên kết lại trở thành một tổ liên gia an toàn PCCC, chung tay cùng bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình kinh doanh, sinh hoạt. Mô hình này bao gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi nhà được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ, đồng thời trang bị 1 chuông báo cháy tại tầng 1, lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình.
Các thành viên tổ liên gia an toàn PCCC tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy |
Từ khi thành lập, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC đã phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác PCCC. Qua đây, người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, đều được hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ về an toàn PCCC&CNCH, các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, dỡ bỏ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn thứ 2.
Hàng trăm mô hình phát huy hiệu quả
Theo Công an thành phố Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2024, có khoảng 80% số vụ cháy được các lực lượng tại chỗ như người dân, Tổ liên gia an toàn PCCC, lực lượng dân phòng, công an cấp xã tham gia xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu. Trong đó, khoảng 50% số vụ cháy được các lực lượng tại chỗ dập tắt bằng chính các phương tiện chữa cháy tự trang bị và tại các điểm chữa cháy công cộng.
Quận Thanh Xuân là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn TP triển khai thành công mô hình này. 2 phường Thanh Xuân Bắc (Tổ dân phố số 23 và 32) và Phương Liệt (Tổ dân phố số 15) là mô hình điểm. Đến thời điểm hiện tại, địa bàn quận đã có 3 Tổ liên gia an toàn PCCC và 64 Điểm chữa cháy công cộng được đăng ký thực hiện và duy trì hoạt động (tại 3/11 phường- chiếm 27,3%).
Hàng trăm tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập |
Trên địa bàn quận Hoàng Mai (14 phường) hiện có 74.414 hộ gia đình, 5.659 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Hiện nay, quận đã thành lập được hàng trăm “Tổ liên gia an toàn PCCC” và nhiều điểm chữa cháy công cộng với tiêu chí đáp ứng yêu cầu 4 tại chỗ; phát hiện nhanh và xử lý kịp thời với các vụ cháy nổ trên địa bàn; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Các hộ dân ở “Tổ liên gia an toàn PCCC”, ngoài việc được lực lượng chức năng tập huấn đầy đủ kỹ năng PCCC, còn tự mua sắm đầy đủ các thiết bị chữa cháy. Khi nhà nào có cháy lập tức gõ kẻng cho các hộ dân trong khu vực được biết để cùng nhau chữa cháy.
Điểm chữa cháy công cộng tại UBND xã Thư Phú (Thường Tín, Hà Nội) |
Tại các điểm chữa cháy công cộng cũng được trang bị thiết bị chữa cháy, cứu nạn khá hiện đại. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ, từ kinh nghiệm đã được tập huấn, người dân có thể sơ tán các thành viên gặp nạn, rồi cùng nhau khống chế đám cháy.
Ngoài mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, trên địa bàn Hà Nội còn có mô hình “Ngôi nhà an toàn PCCC”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Mô hình này cũng đang được nhân rộng tại một số nơi như huyện Thanh Trì.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC, Hà Nội đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch các quận, huyện phải thật sự trăn trở, trách nhiệm... Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên được UBND TP.Hà Nội ban hành theo Chương trình số 02/CTr-UBND về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC và CNCH; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế thiếu sót trong công tác này. |