Căn bệnh về da khiến thiếu nữ trầm cảm đến đâm chết cha mẹ
BS Trương Hùng (Texas, Mỹ) kể lại mẩu tin khiến ông ám ảnh về thiếu nữ Hồng Kông đâm chết cha mẹ mình vì trầm cảm kéo dài do những cơn ngứa ngáy, thiếu ngủ, mệt mỏi, bất tiện trong sinh hoạt kéo dài do căn bệnh viêm da cơ địa.
Theo các chuyên gia y tế, viêm da cơ địa là một bệnh da ngày càng gặp nhiều hơn ở người lớn, trẻ em. Viêm da cơ địa cũng hay được gọi là bệnh chàm (Eczema), tuy nhiên, theo BS Hùng, cách gọi này không đúng hoàn toàn.
Viêm da cơ địa ở trẻ em |
Chàm là từ dùng chung cho nhiều bệnh da khác nhau có cùng đặc điểm là có tình trạng viêm da, trong đó viêm da cơ địa là loại phổ biến nhất của chàm. Bởi vậy chàm ở người lớn cũng khác với viêm da cơ địa.
Ở Mỹ, ước tính có khoảng 18 triệu người mắc bệnh này. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em là khoảng 10%. Ở Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về số bệnh nhân mắc viêm da cơ địa, tuy nhiên, theo báo cáo của phòng khám Viện Da liễu quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám.
BS Hùng cho biết, có 3 từ mô tả chính xác về bệnh viêm da cơ địa là mãn tính, tái phát và ngứa. Viêm da cơ địa không làm chết người nhưng nỗi khổ nó mang đến ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng sống, tốn kém và gây ra rối loạn tâm lý.
Tại Mỹ, khoảng 50% trẻ em cho biết viêm da cơ địa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống: thiếu ngủ, mệt mỏi, không tham gia được các hoạt động khác trong đời sống, có ít bạn, bị kỳ thị, trầm cảm.
Cha mẹ có con viêm da cơ địa từ vừa tới nặng mất khoảng 3 giờ mỗi ngày để chăm sóc da cho con, tức khoảng 1.000 giờ mỗi năm. 1000 giờ đó gây mệt mỏi, thiếu ngủ, tốn kém, cảm giác tội lỗi, vô vọng, trẩm cảm, mất sự riêng tư của vợ chồng (do phải ngủ với con). Theo một nghiên cứu, tỷ lệ mẹ có con viêm da cơ địa bị trầm cảm cao gấp đôi nếu so với có con mắc bệnh hen suyễn.
Viêm da cơ địa biểu hiện bằng những đợt viêm da và hay tái phát. Ở trẻ nhỏ thì hay gặp ở da đầu, mặt, thân mình, chân tay. Trẻ lớn hơn khi bắt đầu đi học thì hay gặp ở các vùng có nếp gấp da như khuỷu tay, sau gối. Trẻ vị thành niên và người lớn thì hay gặp ở bàn tay và chân. Cho dù gặp ở đâu thì vẫn có đặc điểm chung là ngứa. Trẻ con hay gảy đàn, gây trầy xước da, nhiễm trùng làm nặng hơn và biến chứng sang các bệnh da khác.
Viêm da cơ địa kéo dài có thể gây sừng hoá làm da dầy lên sậm màu, hay ngược lại làm da mất sắc tố có màu trắng.
Viêm da cơ địa thường chỉ cần chẩn đoán bằng thăm khám, không cần xét nghiệm, xét nghiệm chỉ thường dùng cho các trường hợp khó khăn trong chẩn đoán hay muốn tìm tác nhân gây kích phát.
Theo BS Hùng, cơ chế sinh bệnh của viêm da cơ địa rất phức tạp, từ nhiều nguyên nhân và vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có 4 yếu tố đã được biết đến, đó là:
Làn da sa mạc
BS Hùng đã lấy hình ảnh của mặt đất Thung Lũng Chết (Death Valley) ở tiểu bang Nevada để ví von làn da của người viêm da cơ địa.
Có sự so sánh này bởi sự bất thường lớp sừng biểu bì của da (stratum corneum) ở bệnh nhân viêm da cơ địa.
Thông thường, biểu bì là lớp ngoài cùng của da có tác dụng ngăn cản sự mất nước qua da và phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân dị ứng, kích thích da và nhiễm trùng. Filaggrin là một protein có vai trò quan trọng trong cấu trúc biểu bì.
Trong khi đó, khoảng 50% bệnh nhân viêm da cơ địa vừa và nặng có đột biến gene làm ảnh hưởng đến filaggrin.
Thiếu chất này làm da không còn liền lạc như bình thường và không còn giữ nước được làm da khô, nứt nẻ. Làn da khô nứt nẻ này sẽ làm ngứa, ngứa khiến bệnh nhân gãi nhiều, gây tăng thêm viêm nhiễm và nhiễm trùng.
Di truyền
Cha mẹ có bệnh dị ứng (atopic march) như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn thì con sẽ có nguy cơ cao mắc những bệnh này
Dị ứng và yếu tố kích thích
BS Hùng cho biết, làn da khô nẻ như mặt đất thung lũng chết mời chào tất cả các tác nhân gây dị ứng, kích ứng tiếp xúc với da. Các phản ứng dị ứng thật sự là phản ứng viêm, làm kích phát viêm da cơ địa hay làm nặng hơn và kéo dài.
Khảo sát cho thấy 90% cha mẹ tin dị ứng thức ăn là nguyên nhân chính gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, BS Hùng cho rằng có hiểu lầm ở đây. Dị ứng thức ăn không gây ra viêm da cơ địa bởi có những trẻ dị ứng thức ăn nhưng không có viêm da cơ địa và ngược lại. Dị ứng thức ăn là yếu tố tăng nặng, tức là khi trẻ bị viêm da cơ địa kèm dị ứng thức ăn, phản ứng miễn dịch của dị ứng kích phát viêm da cơ địa làm tăng nặng và kéo dài hơn tình trạng này.
Việc hiểu sai này khiến cha mẹ bắt con cái kiêng cữ quá mức khiến trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất.
Nhiễm trùng da
BS Trương Hùng cũng cho biết, có một giả thuyết đang được nghiên cứu là sự khiếm khuyết cấu trúc da làm thay đổi pH da, gây tăng vi trùng thường trú trên da, đặc biệt là tụ cầu vàng (Staph. aureus). Các vi trùng này tạo nên phản ứng miễn dịch trên da gây hiện tượng viêm da và kích phát viêm da cơ địa
Dù giả thuyết này đúng hay không tình trạng nhiễm trùng da trên bệnh nhân viêm da cơ địa là rất phổ biến.
Việc tìm hiểu các tác nhân gây ra viêm da cơ địa có vai trò quan trọng trong điều trị căn bệnh mãn tính này đúng cách.