Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Gỡ vướng từ đâu? Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tình trạng lợi ích nhóm Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu

Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương…

Báo cáo về tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc cham dun day trach nhiem
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 doanh nghiệp (chiếm 71%).

Theo kế hoạch cổ phần hóa (CPH) mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì giai đoạn 2017-2020 CPH là 128 DN. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 168 DN này chỉ có 36/128 DN CPH thuộc danh mục CPH (đạt 28% kế hoạch); số DN còn phải thực hiện CPH kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN. Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm.

Một trong nguyên nhân khiến CPH DNNN chậm là do doanh nghiệp không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao. Một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành.

Đối với những DNNN đã triển khai cơ cấu lại chưa đạt kết quả như kỳ vọng do sau CPH chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, cơ khí có điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường khó khăn; trình độ quản lý, năng lực chuyên môn của người lãnh đạo còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Bộ Tài chính đề nghị các DNNN phải nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai CPH, thoái vốn; Thực hiện tách người quản lý DNNN khỏi chế độ công chức, viên chức; Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bước đầu đã phát hiện việc thoái vốn cố ý làm trái pháp luật, trái với chỉ đạo của Chính phủ; Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm cho quá trình xây dựng các phương án thoái vốn, cổ phần hóa khó khăn.

“Chính phủ yêu cầu thoái vốn nhà nước phải công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, vì vậy khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động