Dùng thuốc chữa vảy nến chứa corticoid, người đàn ông bị tàn phế
Sốc với mảng mụn chi chít trên mặt cô gái sau dùng bột rửa mặt mua online Căn bệnh về da khiến thiếu nữ trầm cảm đến đâm chết cha mẹ Uống thuốc gia truyền bỏ chất độc, nam thanh niên mắc ung thư |
Ngày 28/10, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhân Lê Vĩnh Trung (38 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị biến dạng khớp tay vì dùng thuốc trôi nổi chữa bệnh vảy nến.
Bệnh nhân cho biết mắc bệnh vảy nến cách đây 12 năm. Suốt thời gian này, anh không vào bệnh viện mà đi khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh.
“Nghe ai chỉ thầy nào, phòng mạch nào có thuốc hay tôi đều đến chữa. Thời gian đầu, bệnh có thuyên giảm nhờ tiêm thuốc 2 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, sau này tôi mới biết thứ thuốc họ tiêm cho tôi chính là corticoid. Sau vài năm, bệnh tình của tôi bùng phát, tình trạng ngày càng nặng, các khớp tay bị biến dạng, mất khả năng lao động”, bệnh nhân bức xúc nói.
Bác sĩ Hoàng cho biết bệnh nhân Trung nhập viện trong tình trạng biến chứng vảy nến độ nặng, viêm đa khớp, đỏ da toàn thân, các cơ khớp tay co cứng, biến dạng, không thể cử động do dùng quá nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân bị biến dạng khớp tay, mất khả năng lao động sau thời gian dùng thuốc trị vảy nến không rõ nguồn gốc. Ảnh: BH. |
Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Da liễu, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, các khớp tay của bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn, không thể hồi phục.
Theo bác sĩ Hoàng, trường hợp bệnh nhân Trung không phải hiếm gặp. Tại khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu, hơn 50% bệnh nhân điều trị vảy nến. Trong đó, đa số trường hợp đều gặp biến chứng nặng do sử dụng các loại thuốc nén, thuốc uống chứa corticoid trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Loại thuốc này có tác dụng khắc chế bệnh tạm thời. Do đó, nhiều bệnh nhân tin tưởng tiêm thuốc liên tục. Tuy nhiên, về lâu dài hoặc chỉ cần ngưng thuốc, bệnh sẽ diễn tiến nặng, nguy hiểm đến người bệnh.
Bệnh vảy nến hiện chưa có thuốc điều trị triệt để. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh không nên cả tin vào các lời quảng cáo có thể điều trị triệt để căn bệnh này.
“Phương pháp tốt nhất là bệnh nhân vảy nến cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa, tái khám thường xuyên. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm soát, ngăn chặn tiến độ của bệnh, giúp bệnh nhân có thể sống và sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Hoàng nói