Cách né bẫy tội phạm mạng rình rập

Tội phạm mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự phát triển của công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Vạch trần thủ đoạn "quay túi mù" trên mạng xã hội Cảnh báo chiêu trò cắt ghép hình ảnh “nhạy cảm” để tống tiền Tội phạm lội dụng hoạt động thương mại điện tử diễn biến phức tạp Liên tiếp phát hiện và ngăn chặn bẫy lừa đảo giả danh công an

Trước thực trạng này, việc đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng và sự nâng cao cảnh giác từ phía người dân.

Tội phạm mạng hoành hành với nhiều thủ đoạn mới

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ án với 112 bị can liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Đồng thời, hơn 20.800 trang web, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật đã bị phát hiện và xử lý.

Tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức hoạt động, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake, giả mạo cơ quan chức năng, ngân hàng hoặc thậm chí người thân để lừa đảo người dân. Đáng báo động, thiệt hại do tội phạm công nghệ cao trên thế giới ước tính lên đến 1.026 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.

Mới đây, Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây lừa đảo qua sàn giao dịch ngoại hối do Hồ Bích Ngọc (SN 1996, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu. Dưới vỏ bọc một nữ doanh nhân thành đạt, Ngọc đã dụ dỗ hàng trăm nhà đầu tư tham gia các khóa học làm giàu, đầu tư tài chính và sàn giao dịch ảo.

Hồ Bích Ngọc tại cơ quan công an
Hồ Bích Ngọc tại cơ quan công an

Kết quả điều tra cho thấy, Hồ Bích Ngọc cùng đồng bọn đã chiếm đoạt tổng cộng 500 tỷ đồng, trong đó nhiều nạn nhân mất từ 15-16 tỷ đồng. Công an đã tịch thu 4 xe ô tô hạng sang, 85 điện thoại di động, 30 máy tính, phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng liên quan để phục vụ điều tra.

Bên cạnh đó, hàng loạt chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện trên không gian mạng, đánh vào tâm lý nhẹ dạ của người dân: Giả danh trường học thông báo hoàn tiền học phí để chiếm đoạt tài sản của phụ huynh; Nhắn tin đe dọa cắt điện, khóa tài khoản ngân hàng: Đối tượng giả danh nhân viên điện lực, ngân hàng, yêu cầu người dân đóng tiền để tránh bị ngừng dịch vụ; Tin nhắn gửi đến vợ/chồng tố cáo việc ngoại tình, kèm đường link giả mạo. Khi truy cập, điện thoại bị chiếm quyền kiểm soát và tài khoản ngân hàng bị rút sạch; Tạo các sàn giao dịch ảo, cam kết lợi nhuận cao để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư...

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng Công an phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm): "Các vụ lừa đảo qua tin nhắn giả danh người thân, ngân hàng, cơ quan chức năng đang gia tăng. Người dân cần tỉnh táo, không cung cấp thông tin cá nhân lên mạng hoặc qua điện thoại".

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên không gian mạng

Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đang siết chặt các biện pháp phòng chống tội phạm mạng, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai sự thật để trục lợi.

Mới đây, Công an Hà Nội đã xử phạt 7,5 triệu đồng đối với N.V.N (SN 1986, trú tại Đông Anh, Hà Nội) vì tung tin thất thiệt về Nghị định 168/2024 để câu view bán ô tô.

Sau khi bị triệu tập, anh N thừa nhận do kinh doanh khó khăn, nên cố tình đăng bài viết sai sự thật về Nghị định 168 liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông để thu hút tương tác. Hành vi này bị xử lý theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).

Công an phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) tuyên truyền, giúp người dân nhận diện được tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Công an phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) tuyên truyền, giúp người dân nhận diện được tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Công an cảnh báo, những cá nhân chia sẻ thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Làm sao để không trở thành nạn nhân?

✅ Không nhấn vào link lạ trong tin nhắn, email.

✅ Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai.

✅ Không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ mà chưa xác minh kỹ.

✅ Kiểm tra tính xác thực của các cuộc gọi từ số lạ trước khi thực hiện bất kỳ yêu cầu nào.

✅ Báo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện hành vi lừa đảo trên mạng.

Theo Thiếu tá Ngô Minh Đức, Trưởng Công an phường Phú Thượng (quận Tây Hồ): “Cách tốt nhất để chống lại tội phạm mạng là nâng cao nhận thức cộng đồng. Khi người dân hiểu rõ các chiêu trò lừa đảo, tội phạm sẽ không còn cơ hội hoạt động”.

Tội phạm mạng đang là thách thức lớn đối với an ninh kinh tế và xã hội, đòi hỏi sự chung tay của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Chỉ khi chủ động cảnh giác, nâng cao nhận thức, chúng ta mới có thể xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, ngăn chặn các hành vi phạm pháp gây thiệt hại cho cộng đồng.
Hoa Thành
Phiên bản di động