Bộ trưởng Trần Hồng Hà: COVID-19 là giặc, ô nhiễm môi trường là thảm họa
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến Dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Với 443/466 đại biểu tán thành (chiếm 91,91%), chiều 17.11 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, Luật gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022. So với Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá có nhiều điểm mới, đột phá.
Cần có nhận thức mới, tư duy mớiTrao đổi với báo chí sau khi Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt thời gian qua, vấn đề môi trường của đất nước đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, do môi hình phát triển kinh tế chưa bền vững, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học suy thoái, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
“Môi trường trở thành vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, một tư duy mới, đạo Luật lần này thể hiện rất nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế trí thức, kinh tế số, phát triển thuận thiên tức là dựa vào các quy luật tự nhiên phát triển, kinh tế dựa trên các nền tảng sinh thái” – Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) mới được thông qua có nhiều điểm mới, luật BVMT 2020 gần như thay thế khá toàn diện và cơ bản so với luật BVMT năm 2014, đạo luật lần này hướng đến mong muốn tạo nền tảng cần thiết cho đạo luật về môi trường toàn diện, thống nhất, hội nhập.
“Trong Luật lần này xác định những quan điểm hết sức quan trọng là cần thay đổi giai đoạn mà chúng ta đang hết sức khó khăn, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường, tiến tới chủ động hơn trong việc phòng ngừa và quản lý môi trường, song song với nhiệm vụ cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường. Chúng ta phòng ngừa và không cho các dự án ô nhiễm làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường, điều đó đặt lên việc phải đảo ngược được xu thế hiện nay, xu thế môi trường đang ô nhiễm ở tất cả thành phần như đất, nước, không khí” – Ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, Luật này đã tiếp cận cách thức quản lý một cách khoa học dựa trên kinh nghiệm thế giới, chẳng hạn như đã tiếp cận vấn đề môi trường từ khâu xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ, đánh giá tác động, cấp giấy phép, quản lý cả quá trình hoạt động sản xuất sau này thông qua đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường sơ bộ, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và quản lý…
Tất cả vì chất lượng môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật này cũng khẳng định tất cả vì chất lượng môi trường, thực hiện Hiến pháp, Hiến định phải đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành và người dân được tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư sẽ có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tham gia như một chủ thể vào trong quá trình này.
“Cùng với đó Luật đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính, sẽ quản lý những gì cần quản, quản lý những gì mà nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tạo điều kiện hết sức thông thoáng để những lĩnh vực, những ngành ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên… Chúng ta đã lần đầu thiết kế ở trong Luật này một thế giới, một đất nước, một xã hội và các lĩnh vực phát triển theo kinh tế tuần hoàn” – ông Hà nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, tất cả vấn đề về chất lượng, quy chuẩn môi trường sẽ hướng đến đồng bộ với các nước tiên tiến, đặt quan điểm con người Việt Nam và con người ở các nước trên thế giới đều có quyền hưởng môi trường trong lành - "Đây là điểm quan trọng" - ông Hà nói.
COVID-19 là giặc, ô nhiễm môi trường là thảm họa
Theo Bộ trưởng, cần có kế hoạch “phanh” lại tình trạng ô nhiễm như hiện nay, cải thiện chất lượng môi trường. Để thực hiện luật, bên cạnh việc tổ chức, thể chế hóa ban hành văn bản thì vấn đề xây dựng các dự án khả thi và kiến nghị với Đảng, Nhà nước đưa vào trong chương trình ưu tiên để bố trí nguồn lực là rất quan trọng.
“Muốn thay đổi phải đổi mới, và trong đổi mới có những vấn đề có tính cách mạng. Ở đây không phải mỗi cá nhân hay doanh nghiệp thấy được lợi ích ngay từ đầu mà lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, lợi ích chung với xã hội và chúng ta không có con đường nào khác là con đường phải thay đổi, thay đổi để phát triển bền vững” – Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng thể hiện mong muốn luật này thắp lên một ngọn lửa mới, tinh thần mới. “Coi COVID-19 là kẻ thù là giặc thì ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, thách thức biến đổi khí hậu thực sự là thảm họa nên chúng ta phải có tinh thần chiến đấu, có chiến đấu thì sẽ chiến thắng” - ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi về vấn đề cấp phép thủy lợi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Nếu đã ô nhiễm thì tuyệt đối không được cho xả thêm”.
Theo Bộ trưởng, đối với những khu vực đã ô nhiễm thì cho lộ trình cải thiện công nghệ, thậm chí là di dời, đóng cửa, chứ tuyệt đối không cho thêm phát thải. Nếu muốn đầu tư nhà máy ở đó thì chất lượng nước thải ra phải bằng chất lượng nước mặt. Quan điểm là sẽ không để tình trạng xấu hơn nữa mà từng bước đảo ngược lại chất lượng môi trường.