Ngành Tài nguyên và Môi trường: Gỡ rào cản, chuyển hóa thách thức thành cơ hội

Năm 2020 là năm của những khó khăn thách thức: Thiên tai khốc liệt, "bão chồng bão, lũ chồng lũ" cùng với tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế với độ mở lớn của nước ta. Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là nơi quản lý tổng hợp đa ngành với nhiều điểm nóng nhưng đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Khơi thông điểm nghẽn, xây dựng cơ chế phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (Ảnh: K.TRUNG)

Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong năm 2020 với các hiện tượng "lũ chồng lũ, bão chồng bão" hiếm có ở miền Trung; Tình trạng hạn hán, sa mạc hóa ở Nam Trung Bộ; Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… cùng với mô hình phát triển thiếu bền vững đã đặt ra những thách thức rất lớn với ngành TN&MT.

Tuy nhiên, như Thủ tướng nói “khi khó khăn phải cố gắng bằng hai, bằng ba”, toàn ngành đã bám sát nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đoàn kết thực hiện bài bản, khoa học các giải pháp, nhiệm vụ, “biến nguy thành cơ”.

Ngành đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ để khơi thông những điểm nghẽn về cơ chế chính sách, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Trong đó nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường. Khi Luật đi vào cuộc sống, có thể chuyển 25% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thành năng lượng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã khẳng định: “Rất ít dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính chất đột phá như vậy!”.

Cũng trong năm 2020, ngành TN&MT liên tục lắng nghe ý kiến các địa phương, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định liên quan tới lĩnh vực đất đai, giải quyết rất nhiều nội dung mà nhiều địa phương đã nêu tại hội nghị, đặc biệt là liên quan tới việc chuẩn bị đất đai cho các dự án đầu tư.

Các nguồn tài nguyên của đất nước được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng hiệu quả hơn. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đất đai, từ năm 2016 - 2020 đã chuyển dịch được hơn 230 nghìn héc-ta đất cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở; Đưa 926 nghìn héc-ta đất chưa sử dụng vào phát triển rừng; Thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn héc-ta đất của các dự án chậm triển khai. Nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng.

Hay như việc quản lý tài nguyên khoáng sản địa chất, hiện Việt Nam đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 với 70% diện tích đất liền; Đã ban hành 14 quy hoạch cho hơn 40 loại khoáng sản đang sử dụng khai thác chủ yếu và đã dự trữ trên 10 loại khoáng sản khác nhau cho các giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế. Các lợi thế của vùng ven biển cũng được phát huy, đóng góp vào 60% GDP của cả nước.

Trong năm 2020, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoáng sản đạt 112% kế hoạch.

Tài nguyên nước cũng từng bước được quản lý sử dụng bền vững. Việc triển khai khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông lớn cũng được quan tâm, chú trọng.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, ngành đã chủ động đề xuất các quyết sách ứng phó. Công tác dự báo khí tượng thủy văn cũng được tập trung hiện đại hóa giúp các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019 - 2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2 - 2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại đã giảm 9,6%.

Năm 2020, các tổ giám sát môi trường tiếp tục được duy trì đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường. Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với cùng kỳ năm 2019). Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Những kết quả, thành tựu nêu trên của toàn ngành có công sức, đóng góp của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ; Sự quyết tâm, nỗ lực, chủ động, sáng tạo của UBND các cấp; Sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”.

Đưa luật vào cuộc sống, “phanh” lại tình trạng ô nhiễm

Các đại biểu tham gia chương trình trồng 1 triệu cây xanh
Các đại biểu tham gia chương trình trồng 1 triệu cây xanh (Ảnh: K.TRUNG)

Trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển”.

Trước báo giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà từng khẳng định: “Coi dịch Covid-19 là kẻ thù, là giặc thì ô nhiễm, suy thoái môi trường, thách thức biến đổi khí hậu thực sự là thảm họa nên chúng ta phải có tinh thần chiến đấu; Có chiến đấu thì sẽ chiến thắng”.

Chính vì vậy, ngành TN&MT đã lên kế hoạch “phanh” lại tình trạng ô nhiễm như hiện nay, cải thiện chất lượng môi trường. Trước mắt, một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 là tổ chức thực hiện những vấn đề mới trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 vừa được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân. Những việc phân cấp cho địa phương thì cần phải đánh giá tổ chức bộ máy, nhân sự và có những kiến nghị để đáp ứng được yêu cầu... Ban hành kế hoạch chuẩn bị các nghị định, đề án để triển khai luật này, để các văn bản như nghị định, thông tư, quy chuẩn sẽ cùng có hiệu lực cùng đúng vào thời điểm hiệu lực của Luật vào ngày 1/1/2022.

“Môi trường trở thành vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy mới, đạo Luật lần này thể hiện rất nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số; Phát triển thuận thiên tức là dựa vào các quy luật tự nhiên phát triển, kinh tế dựa trên các nền tảng sinh thái”, Bộ trưởng nói.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng với việc đưa luật vào tuộc sống, trong các năm tiếp theo, ngành TN&MT cần cập nhật chiến lược, quy hoạch ngành, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ngành TN&MT cũng cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu không gian địa lý, tài nguyên và môi trường; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử; Thực hiện chương trình chuyển đổi số, chiến lược tổng thể tài nguyên số về TN&MT.

Đồng thời, ngành phải giữ vai trò “nhạc trưởng”, phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên cho phát triển đất nước; Tạo bước đột phá trong nghiên cứu khoa học về biển, phát triển kinh tế biển; Đảm bảo an ninh tài nguyên trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Toàn ngành tập trung triển khai thực hiện những nội dung mới, đột phá trong thực thi bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm, xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng tốt đa các nguồn vật liệu, góp phần giải quyết vấn đề an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và an ninh khí hậu.

Ngoài ra, ngành cũng nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thủy văn với công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử Ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường ...

Doãn Hưng
Phiên bản di động