Bộ Giáo dục không khuyến cáo về mũ ngăn giọt bắn
Học sinh có cần đeo nón ngăn giọt bắn khi ngồi học? |
Tối 5/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tới nay là tròn 20 ngày Việt Nam không phát sinh ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời cả nước vẫn chưa có trường hợp tử vong do Covid-19. Những điểm đó được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về “công thức thành công” của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, một vấn đề được báo chí quan tâm phản ánh là việc học sinh đi học trở lại ở nhiều địa phương đang nảy sinh những bất cập. Đơn cử như việc thời tiết nóng nắng nhưng học sinh mầm non, tiểu học phải đeo mũ chống giọt bắn, đeo khẩu trang trong phòng không bật điều hòa, nhiều trẻ không chịu nổi tình trạng này. Một số địa phương có hướng cho trẻ mầm non, tiểu học trở lại nhưng không tổ chức học bán trú khiến cho phụ huynh gặp khó khăn, không đảm bảo an toàn về sức khỏe cho trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: cả nước có 3 đợt học sinh trở lại trường. Đợt 1 ngày 20/4 có 8 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại; đợt 2, ngày 27/4 đến nay có 30 tỉnh, thành; đợt 3, ngày 4/5, các tỉnh còn lại cũng đã cho đi học.
Đến nay ở 63 tỉnh, thành, học sinh đã đi học trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là bậc THCS và THPT. Tỷ lệ học sinh đi học trở lại rất cao, với bậc THPT là 99%, THCS là 97%. Quan điểm của Bộ là đã đi học thì phải an toàn, căn cứ trên khuyến cáo của ngành Y tế.
Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thế nào là an toàn. Trên cơ sở khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã ban hành 2 văn bản (có căn cứ và ý kiến của Bộ Y tế) xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là một nhà trường an toàn.
Theo đó, Bộ đưa ra 15 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn toàn bộ nhà trường và không tổ chức hoạt động tập thể. Không có tiêu chí nào nói phải đeo mặt nạ chống giọt bắn.
Bộ Y tế cũng không có hướng dẫn phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Đây là sự sáng tạo của các địa phương. Nếu ngành Y tế không khuyến cáo thì các địa phương không nên làm.
BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: Học trò không cần mang cái nón che giọt bắn liên tục. Nón che giọt bắn là mặt đối mặt với “địch thủ bất ngờ”. Còn học sinh đang ngồi hướng về một hướng thì không cần. Khi các con ra chơi tám lung tung mặt đối mặt mới gọi là cần thêm một chút.
BS Trương Hữu Khanh cũng nhấn mạnh việc phòng dịch trong nhà trường là khẩu trang đúng, rửa tay đúng và không đưa tay lên vùng mũi miệng là quan trọng.