Bộ GD&ĐT xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình giáo dục mầm non mới

Bộ GD&ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới; sẽ có chương trình thống nhất cho các khâu để kiểm soát về chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.
Vĩnh Phúc: Tập huấn chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi cho các cán bộ, quản lý Hà Nội cấp phép cho gần 2.500 cơ sở giáo dục mầm non độc lập Hải Dương: Đề xuất hỗ trợ 160.000 đồng/người/tháng đối với trẻ mầm non là con công nhân KCN

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày hôm nay (22/11).

Theo đó, Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo UBND và sở GD&ĐT 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành học GDMN, cùng các tổ chức quốc tế như WB, UNICEF, Save the Children, VVOB, ChildFund, Plan International, tổ chức Onesky.

Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng GDMN và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, các khâu, các yếu tố, các quá trình, nhắm tới một tính tổng thể rất cao. Trong đó có những quan điểm sâu chuỗi từ cấp học mầm non đến đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người. Trong đó, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi tính quyết định đến tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Bộ GD&ĐT xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình giáo dục mầm non mới
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

GDMN Việt Nam đã đạt kết quả nhất định trong giáo dục phổ cập. Việt Nam đã có một chương trình GDMN thống nhất cả nước, có ưu tiên phát triển khoa học giáo dục cho cấp học này và thực tế đã đạt được kết quả khả quan.

“Tuy nhiên, với mục tiêu xa và lớn hơn, chúng tôi thấy cần phải làm nhiều điều hơn nữa cho GDMN”. Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình GDMN mới; sẽ có chương trình thống nhất cho các khâu để kiểm soát về chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.

Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á-Thái Bình Dương (WB) cho rằng, Việt Nam được nhiều lần xếp hạng cao trong chỉ số vốn con người HCIndex của WB, ngang bằng với các quốc gia có thu nhập cao và vượt trội so với nhiều nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua chỉ số phát triển con người hiện tại bằng cách thực hiện đầu tư và cải cách mang tính chuyển đổi vào hệ thống GDMN. Bởi đầu tư vào trẻ nhỏ là nền tảng thúc đẩy bình đẳng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai.

Ông Cristian Aedo cũng nhấn mạnh, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ GDMN có chất lượng, giá cả phải chăng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy bình đẳng và vượt qua kỷ lục phát triển con người của chính mình ở cấp giáo dục phổ thông.

Đầu tư vào chăm sóc trẻ em có thể mang lại tác động đa thế hệ bằng cách cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, kết quả của trẻ em, phúc lợi gia đình, năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Đối với trẻ em, phát triển trẻ mầm non chất lượng có thể cung cấp các đầu vào quan trọng cần thiết trong những năm đầu đời để xây dựng các kỹ năng nền tảng giúp các em thành công ở trường và trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ, việc tiếp cận dịch vụ phát triển trẻ mầm non có thể giúp các bà mẹ tham gia vào thị trường lao động, tăng giờ làm, năng suất và thu nhập, cũng như cải thiện chất lượng công việc.

Ông Cristian Aedo cũng khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển con người và mong muốn hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT, bao gồm nâng cao chương trình giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng dạy GDMN.

PV
Phiên bản di động