Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Sáng 15/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Bộ GD&ĐT nói gì về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục trong in ấn, phát hành sách giáo khoa? Vụ nữ sinh trường chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường: Bộ GD&ĐT vào cuộc Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trường học

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Điểm cầu 63 sở GD&ĐT có lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi cấp tỉnh.

Công tác chỉ đạo thống nhất, thông suốt

Nhấn mạnh yêu cầu, đỏi hỏi rất cao của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Kỳ thi diễn ra trên toàn quốc, được xã hội quan tâm; kết quả Kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau; Đặc biệt trong thời điểm này, khi chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có giáo dục phổ thông, sự quan tâm của xã hội càng lớn hơn nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Kỳ thi năm nay, dù học sinh thi theo Chương trình GDPT 2006 nhưng tinh thần đổi mới được thực hiện ở tất cả các khối lớp. Cùng với đó, Quy chế thi có một vài điểm mới, điều chỉnh. Do đó, các yêu cầu với công tác tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.

Nhấn mạnh điều này, từ góc độ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Bộ GD&ĐT đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.

Chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ diễn ra Kỳ thi, Bộ trưởng yêu cầu công tác chuẩn bị, triển khai cần bám sát, bám chắc vào Chỉ thị 17 ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, bảo đảm thống nhất, thông suốt giữa hoạt động của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh với Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.

Chia sẻ một số lưu ý trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến phương diện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ Kỳ thi. Như bài học trong Kỳ thi vào lớp 10 của 1 địa phương, chỉ in mờ đề cũng phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý. Tuy nhiên, chuẩn bị trang thiết bị tốt nhất nhưng không phó thác hoàn toàn cho thiết bị mà cần có sự kiểm tra của con người.

Các công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh/thành lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai, đặc biệt thời điểm thời tiết cực đoan; quan tâm công tác phòng chống cháy nổ, nhất là ở khu vực in sao đề thi, chấm thi; bảo đảm điện phục vụ cho Kỳ thi.

Đặc biệt chú trọng công tác in, sao đề thi

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, tập huấn nghiệp vụ; triển khai và phối hợp cơ bản đồng bộ, nhịp nhàng giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ban, ngành và các địa phương cho Kỳ thi.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại hội nghị.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại hội nghị.

Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến ngày 15/6, tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 1.024.063.

Trong đó: Thí sinh tự do: 37.841 chiếm 3,69% tổng số thi sinh.

Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66% tổng số thí sinh.

Thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh.

Thí sinh xét tốt nghiệp + tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Tổng số TS thi KHTN: 323.187 chiếm 31,52% tổng số thí sinh.

Tổng số TS thi KHXH: 566.921 chiếm 55,30% tổng số thí sinh.

Thí sinh đăng ký trực tuyến: 968.160 chiếm 95% tổng số thí sinh.

Cả nước có 2273 điểm thi.

Tổng số phòng thi: 44.661

Công tác ứng dụng CNTT vào các khâu của Kỳ thi hiệu quả, kịp thời, tạo thuận lợi cho thí sinh và các bên liên quan. Số liệu thống kê, báo cáo, tổng hợp kịp thời, chính xác. Trao đổi thông tin hai chiều giữa Bộ GD&ĐT và các địa phương để xử lý các công việc nhanh chóng, hiệu quả. Công tác truyền thông báo chí được tăng cường tạo sự đồng thuận của xã hội.

Các sở GD&ĐT đã tiếp nhận đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Từ đó, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ các thành viên; tham mưu ban hành các văn bản: phương án, kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn tỉnh, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện xét tốt nghiệp, thi tốt nghiệp THPT năm 2023, văn bản phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức Kỳ thi.

Đến thời điểm này, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và chuẩn bị cơ sở vật chất chuẩn bị tổ chức Kỳ thi theo đúng tiến độ. 63/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp cấp tỉnh của địa phương. Hầu hết các địa phương đã ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường phối hợp tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Dữ liệu thông tin của thí sinh cũng đã được hoàn thành, báo cáo vào Hệ thống quản lý thi và gửi về Bộ GD&ĐT.

Nhấn mạnh một số công việc cần lưu ý triển khai trong thời gian tới, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh đến bố trí khu vực in sao đề thi và bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại Điểm thi; công tác in sao đề thi; công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành địa phương và xây dựng các kịch bản dự phòng.

Cụ thể, địa phương cần bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Quy chế thi. Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, đúng quy trình. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Với công tác in sao đề thi, địa phương lưu ý chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi. Máy móc thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối. Mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi/môn thi cuối cùng của bài thi.

Trong quá trình in sao cần in sao theo đúng số lượng được giao. Lưu ý in sao đề thi các bài thi/môn thi Ngoại ngữ cho các phòng thi ghép; in sao từng mã đề thi cho mỗi đề thi của mỗi bài thi/môn thi trắc nghiệm. Phải có biện pháp cụ thể để phân biệt bì/túi đề thi của các bài thi/môn thi khác nhau.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động