Bí thư Thành ủy Hà Nội cắt băng triển lãm “Thăng Long - Hà Nội những dấu son lịch sử”
Tới dự và cắt băng khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý và đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm |
Phát biểu tại triển lãm, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, với nhiều tên gọi: Từ Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh đến Bắc Thành, Hà Nội, cuối cùng lắng lại thành tên gọi thiêng liêng nhất: Thăng Long - Hà Nội.
Trong dặm dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn, nhiều biến cố, thăng trầm mảnh đất này và của đất nước. Hà Nội thực sự trở thành nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của Việt Nam.
Triển lãm là dịp để cán bộ, nhân dân và du khách gần xa thêm hiểu, thêm yêu và thêm gắn bó với Thủ đô Hà Nội.
Triển lãm phác họa theo hình thức biên niên từ hơn 200 hình ảnh, tư liệu, ảnh hiện vật được giới thiệu theo 3 chuyên đề chính. Mỗi chuyên đề có mô hình biểu tượng di sản tiêu biểu của Thủ đô, các sự kiện và nhân vật được trình bày theo thời gian lịch sử. Những dấu mốc này chưa phải toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhưng đều là những biểu trưng của từng thời kỳ, từng giai đoạn, phản ánh đặc điểm riêng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội và nằm trong tính thống nhất với lịch sử dân tộc.
Chuyên đề 1 là “Hà Nội - Kinh đô muôn đời”, giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1010 khi đức vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, đến năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần đầu tiên. Các dấu mốc lịch sử được giới thiệu gồm: Triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần, triều đại nhà Lê, triều đại Tây Sơn, triều đại nhà Nguyễn.
Chuyên đề 2 “Hà Nội - Tiếp nối trang sử vàng” giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1986 với các dấu mốc chính: Hà Nội buổi đầu chống Pháp (1858 -1930), chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội (3/1929), đấu tranh giành độc lập (1930-1945), sống mãi với Thủ đô (1946-1947), Hà Nội - Ngày trở về (10/10/1954), Hà Nội kiên cường chống Mỹ (1954 - 1975), Hà Nội - Thủ đô Việt Nam thống nhất (1975-1986), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu tham quan triển lãm |
Chuyên đề 3 “Hà Nội - Đổi mới, sáng tạo và phát triển”. Bước vào thời kỳ đổi mới từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), xóa bỏ cơ chế bao cấp, Hà Nội đổi thay từng ngày. Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở Châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bạn bè quốc tế vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng”. Từ đó đến nay, Hà Nội trở thành địa phương liên tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nâng cao. Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế, vai trò là trái tim của cả nước.
Các dấu mốc chính của giai đoạn Hà Nội đổi mới, sáng tạo, phát triển được giới thiệu theo các nhóm: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng nông thôn mới, một số công trình, dự án ấn tượng trong quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội, Hà Nội điểm đến an toàn, thân thiện, từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quốc tế với Hà Nội, Thủ đô Hà Nội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển lãm được tổ chức ngoài trời tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm để Nhân dân và du khách tự do thưởng lãm và diễn ra đến 21 giờ ngày 15/10.