Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc: 55 năm xây dựng và phát triển
Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam lúc sinh thời từng căn dặn: "Lương y như từ mẫu". Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế. Trách nhiệm và sự tài trí của y bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế đóng góp một phần không nhỏ trong sự sống, sức khoẻ của Nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Thư của Người gửi cho Hội nghị cán bộ ngành Y tế Việt Nam 27/2/1955 là một Chỉ thị sâu sắc mà mỗi chúng ta, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam tiếp tục học tập, suy nghĩ để hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong mỗi câu, mỗi chữ của Người, lấy đó làm thước đo phẩm chất đạo đức của người cán bộ y tế, làm định hướng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng Bệnh viện phục hồi chức năng - 55 năm xây dựng và phát triển |
Bác sĩ Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển Bệnh viện Phục hồi chức năng luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, cống hiến hết mình chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhà an dưỡng quy mô 20 giường bệnh, đội ngũ 10-15 người cán bộ, với nhiệm vụ điều dưỡng đơn thuần, nay trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng II, với 180 giường bệnh. Đội ngũ cán bộ viên chức đông đảo và tài năng, cùng với sự đổi mới và cải tiến công tác quản lý, bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, điều dưỡng, điều trị, PHCN, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Các y bác sĩ phục hồi chức năng cho bệnh nhân |
Trong chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện PHCN đã có nhiều sự thay đổi; từ tên gọi, quy mô đến trang thiết bị. Bệnh viện được thành lập tháng 7/1969 với tên Viện Điều dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phú.
Giai đoạn 1969 - 1990: Hoạt động đơn thuần là điều dưỡng các đối tượng chính sách trong tỉnh. Giai đoạn 1990-1996: Bên cạnh công tác điều dưỡng, Bệnh viện triển khai các kỹ thuật phục hồi chức năng thu dung người bệnh vào điều trị và làm công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Đến tháng 6/1996, UBND tỉnh Vĩnh Phú đã ra Quyết định đổi tên "Viện Điều dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phú" thành "Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc".
Tháng 4/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 17/4/2015 về việc đổi tên và quy định cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh phúc.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác y tế, đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiêm kỳ 2021-2025 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ |
Bệnh viện Xây dựng Nghị quyết phát triển Bệnh viện giai đoạn 2024-2025, định hướng 2030, với các chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 282/KH-UBND ngày 18/11/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh viện đổi mới cơ chế hoạt động cơ chế tài chính của đơn vị, tổng nguồn thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm, thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2023, đảm bảo thu nhập ngoài lương cho cán bộ từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.
Về công tác tổ chức cán bộ, theo quyết định UBND tỉnh Bệnh viện chuyên khoa hạng II, có 17 khoa phòng. trong điều kiện hiện tại, Bệnh viện sắp xếp 12 khoa phòng hoạt động, với quy mô 150 giường kế hoạch và 180 giường bệnh thực kê.
Nhân lực hiện tại 135 cán bộ với 33 bác sĩ (trong đó có 17/33 đạt 52% trình độ sau đại học, có 10/17 đạt 41% sau đại học ngành phục hồi chức năng), 25 kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Nhân lực thuộc tốp đầu trong các Bệnh viện Phục hồi chức năng tuyến tỉnh.
Úng dựng khoa học kỹ thuật hiện đại phục hồi chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân |
Công tác đào tạo luôn được bệnh viện quan tâm, chú trọng đào tạo phát triển kỹ năng nghề nghiệp, năm 2021-2023, phối hợp Trường đại học Y Dược đại học Thái Nguyên đào tạo thực hành cho 07 bác sĩ chuyên khoa I PHCN; năm 2023 đào tạo 1 lớp bác sĩ định hướng chuyên khoa PHCN. Hàng năm, thực hiện đào tạo chỉ đạo tuyến; mời chuyên gia các Bệnh viện tuyến trung ương về đào tạo; đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.
Những năm qua Bệnh viện kiện toàn phát triển chuyên môn với mục tiêu phát hiện sớm, can thiệp sớm, can thiệp chủ động ngay khi có thể. Vì vậy, ngoài số người bệnh trực tiếp đến điều trị, Bệnh viện phối hợp tiếp nhận người bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh về điều trị sau khi được đã được điều trị giai đoạn cấp, phẫu thuật.
Nâng cao chất lượng khám, điều trị phục hồi chức năng cho nhiều người bệnh: Tai biến mạch máu não; thoát vị đĩa đệm cột sống; chấn thương sọ não; chấn thương cột sống; phẫu thuật hệ thần kinh vận động; điều trị trẻ tự kỷ- bại não; Tăng cường hỗ trợ sản xuất dụng cụ trợ giúp áo nẹp cột sống thắt lưng, máng nẹp chân tay, làm chân tay giả..., góp phần phục hồi chức năng thần kinh, vận động, phòng ngừa di chứng cho người bệnh; thực hiện 237/252 (bằng 94%) kỹ thuật chuyên môn ngành phục hồi chức năng; khám chữa bệnh nội trú trên 4.500 người bệnh/1 năm, công xuất sử dụng giường bệnh trên 120% (giường kế hoạch).
Trong chặng đường lịch sử 55 năm, Bệnh viện rất vinh dự và tự hào với lớp lớp cán bộ, bằng sự đoàn kết, với lòng yêu ngành, yêu nghề của tập thể cán bộ nhân viên qua các thời kỳ đã không ngừng xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển. Bệnh viện liên tục đạt xuất sắc toàn diện nhiều năm, đã được Đảng và nhà nước, các cấp ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Cờ thi đua, bằng khen chính phủ, của bộ, ngành, tỉnh.
Đặc biệt, năm 2008 Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III, đồng thời có những cá nhân được tặng phần thưởng cao quý của đảng và nhà nước như danh hiệu thầy thuốc ưu tú, bằng khen của chính phủ, của bộ, ngành các cấp, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.
Định hướng phát triển năm 2024-2025
Theo bác sĩ Bình, trong năm 2024, Bệnh viện di chuyển từ cơ sở đóng nhờ tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh về cơ sở thôn Lạc Ý, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, cải tạo, sửa chữa đảm bảo cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại.
Bệnh viện thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Phát triển mở rộng quy mô 350 giường bệnh (250 giường điều trị, 100 giường an dưỡng); thành lập trung tâm Đột quỵ, khoa Nhi, Lão khoa; tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ: Đào tạo tại Bệnh viện tuyến trung ương, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật mới, mời các chuyên gia tuyến trung ương về đào tạo bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện đầu tư thêm trang thiết bị y tế, tuyển thêm nhân lực: Bác sỹ đa khoa, Kỹ thuật viện, Điều dưỡng; đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đổi mới, nâng cao năng lực tự chủ tài chính, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ y tế.
Ngoài việc nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh, Bệnh viện luôn tích cực nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ để luôn tinh thông về nghề nghiệp. Đồng thời, tích cực học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao y đức, xứng đáng với lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh, thực sự là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, thân thiện của người dân.