Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore bị 'ăn' mũi đã xuất viện

Ngày 19/9, bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore gây tổn thương áp -xe mũi đã ổn định và được xuất viện sau hơn 3 tuần điều trị.
5 biện pháp phòng tránh bệnh Whitmore Bệnh viện ĐK Yên Bái cấp cứu thành công 2 ca nhiễm khuẩn “ăn thịt người" Vi khuẩn gây bệnh Whitmore được liệt vào nhóm nguy cơ sử dụng như "khủng bố sinh học" Vi khuẩn ăn cánh mũi tấn công, 4 người mất mạng

Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, trước đó, ngày 28/8, Trung tâm bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân P.T.S. nữ (49 tuổi, ở Bắc Kạn) được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng sốt cao liên tục.

Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore bị 'ăn' mũi đã xuất viện
Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore bị 'ăn' mũi đã xuất viện. Ảnh: BVCC

Một tuần trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải.

Tại tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và được điều trị kháng sinh rocephin, vancomycin, metronidazol nhưng không đỡ và dược chuyển đến Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã cho cấy mủ để tìm nguyên nhân dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và kinh nghiệm nghề nghiệp. Sau 3 ngày, kết quả nuôi cấy mủ từ vết thương dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore).

“Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng”, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao, theo dõi, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ, đặc biệt là chăm sóc vết thương hàng ngày để bảo tồn cánh mũi.

Sau 1 tuần điều trị, các dấu hiệu của bệnh đã bắt đầu thuyên giảm: sốt giảm dần, cánh mũi se lại, không còn chảy mủ. 3 tuần sau, bệnh nhân cắt sốt, toàn trạng ổn định, ăn ngon miệng, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn.

Khi các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường, ngày 19/9 bệnh nhân được xuất viện, điều trị ngoại trú.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khẳng định: “Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người” mà là bệnh đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây. Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”.

Về tỉ lệ tử vong đến 40% của bệnh này là do việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán ban đầu khó khăn, dễ nhầm sang bệnh khác. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai đã có kế hoạch tổ chức các đợt tập huấn cho các bác sĩ tuyến dưới để tăng cường sàng lọc, phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm ca bệnh.

Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễmbẩn. Xử lý tốt các viết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

D.Minh
Phiên bản di động