Hai em bé tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa có bằng chứng bệnh không lây từ người sang người

Trường hợp hai bệnh nhi là anh em ruột tại Sóc Sơn, Hà Nội tử vong vì bệnh Whitmore đang khiến cộng đồng hoang mang. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định rằng vi khuẩn gây bệnh khó có thể lây trực tiếp từ người sang người và cách phòng bệnh lại rất đơn giản là ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân đảm bảo và có đồ bảo hộ khi tiếp xúc môi trường bùn đất…

3 chị em ruột tử vong do bệnh Whitmore Một phụ nữ ở Phú Yên nhiễm khuẩn Whitmore Xử phạt người tung tin "vi khuẩn ăn thịt người" ở Quảng Bình

Chưa có bằng chứng bệnh Whitmore lây từ người sang người

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, Whitmore là bệnh đã xuất hiện và tồn tại hàng trăm năm nay trên thế giới và ở Việt Nam, song chưa có bằng chứng về việc bệnh lây từ người sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương hở do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Vi khuẩn tồn tại trong đất, có ở khắp mọi nơi. Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít.

Ông Cảm cũng cho biết, gia đình bệnh nhi gồm 7 người, gồm 4 người lớn là ông bà nội và bố mẹ. Ông bà nội của các bệnh nhân tuy đã có tuổi nhưng đều khỏe mạnh không có biểu hiện nghi mắc. Bố mẹ của các cháu là công nhân khu công nghiệp cũng có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước, hô hấp bị tổn thương... Do vậy, với những tổn thương da, mũi miệng cần phải sát trùng để giảm bớt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm: “Với trường hợp các bệnh nhi cùng một gia đình như vậy, chúng ta phải xem xét đặc tính những người trong gia đình.

Chúng tôi lo ngại các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không. Với bệnh nhi gần đây nhất, chúng tôi đã kiểm tra các miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào, kể cả chức năng của bạch cầu thì đều trong giới hạn bình thường. Còn với xét nghiệm sâu hơn thì chưa có điều kiện thực hiện”.

Cách phòng tránh bệnh Whitmore

Trước đó, ngày 18/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã có báo cáo về kết quả điều tra 3 trường hợp tử vong trong năm 2019 tại một gia đình tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Theo đó, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã phát hiện 3 trường hợp là anh, chị em ruột tử vong trong cùng một gia đình tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Trường hợp đầu tiên là bé Trần Quỳnh Tr (7 tuổi, sinh năm 2012) là học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Bắc Sơn C. Ngày 6/4, bé xuất hiện sốt cao, sau đó, gia đình tự mua thuốc điều trị. Chiều tối 8/4, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khám và điều trị.

Đến ngày 9/4, bé được chuyển đến khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột và tử vong vào 7h cùng ngày.

Hơn nửa năm sau, em trai của Trần Quỳnh Tr là Trần Công V (5 tuổi, học tại Trường Mầm non Bắc Sơn) bị sốt cao 38,5 độ C có kèm theo đau bụng.

Đến 5h ngày 28/10, gia đình đưa bé vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị, tuy nhiên bệnh nhân tử vong vào 21h ngày 31/10 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore).

Sau khi anh trai nhập viện 14 ngày, em trai của Trần Công V là Trần Quang H (1 tuổi) bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục từ 39-40 độ C. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi trung ương hồi 11h ngày 11/11. Tại đây, kết quả xét nghiệm ngày 14/11 cho thấy, bé bị nhiễm khuẩn huyết và dương tính với vi khuẩn Whitmore. Trưa 16/11 bé tử vong do suy tuần hoàn.

Hai em bé tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa có bằng chứng bệnh không lây từ người sang người
Để phòng bệnh Whitmore cần tránh để tay chân khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, 3 trường hợp bệnh nhi tử vong tại một gia đình, trong đó có hai trẻ được chẩn đoán xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với Trạm Y tế xã Bắc Sơn tiến hành điều tra tại gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh.

Hiện tại, cơ quan chức năng điều tra tại nhà bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tương tự.

Bên cạnh đó, ngành Y tế địa phương đã hướng dẫn người dân nơi đây các biện pháp phòng bệnh như: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, ăn chín uống sôi, sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc (đeo ủng, bao tay...), tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh tiếp xúc ngoài trời với mưa lớn và mây bụi.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động