Bầu Đức 'dốc hầu bao' củng cố quyền sở hữu tại Hoàng Anh Gia Lai
Công ty bầu Đức tiếp tục bị nghi ngờ khả năng hoạt động Công ty bầu Đức bị phát hiện khai sai thuế trong nhiều năm |
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) vừa công bố thông tin mua 50 triệu cổ phiếu. Theo đó, giao dịch dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 19/10 đến ngày 30/10 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Theo thông tin được công bố, mục đích thực hiện giao dịch là tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, Bầu Đức sẽ nâng số lượng cổ phần nắm giữ tại Hoàng Anh Gia Lai lên hơn 376,7 triệu cổ phiếu, tương đương 40,62% vốn điều lệ của công ty.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai |
Theo tính toán, nếu tính theo giá đóng cửa ngày 13/10, cổ phiếu HAG đang được giao dịch ở mức 4.640 đồng/cổ phiếu, giá trị của 50 triệu cổ phiếu mà Bầu Đức đăng ký mua thêm là 232 tỷ đồng, đây là đợt mua gom lớn nhất của ông Đoàn Nguyên Đức kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai lên sàn chứng khoán.
Về kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020, trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu 1.470 tỷ đồng, không thay đổi so với báo cáo tự lập, song tăng 59% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu và chi phí hoạt động tài chính cùng giảm 18% và 26% so với báo cáo tự lập, lần lượt ở mức 350 tỷ đồng và 446 tỷ đồng.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai tăng lỗ sau thuế so với báo cáo tự lập thêm 2 tỷ đồng lên 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lãi sau thuế cổ đông kiểm soát đạt 107 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 48 tỷ đồng trên báo cáo tự lập.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu tại ngày 30/6/2020 của Hoàng Anh Gia Lai.
Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị hơn 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng hơn 7.298 tỷ đồng (nằm trong số dư trên). Theo đó, phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 của Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài ra, công ty kiểm toán còn nhấn mạnh rằng, khoản nợ ngắn hạn tại ngày 30/6/2020 đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai với số tiền hơn 1.372 tỷ đồng. Các điều kiện này cùng với vấn đề ngoại trừ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tính đến thời điểm 30/6/2020, Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng tài sản tới gần 40.275 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Đáng nói, dù có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng song lượng tiền mặt của công ty chỉ vỏn vẹn hơn 82 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho ở mức 5.315 tỷ đồng và 2.336 tỷ đồng.
Khoản nợ phải trả đang ở mức 24.301 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với thời điểm đầu năm 2020. Đến cuối tháng 6/2020, Hoàng Anh Gia Lai đang gánh khoản vay ngắn hạn gần 4.960 tỷ đồng và vay dài hạn gần 12.915 tỷ đồng. Trong đó là khoản vay chiếm gần 3,955 tỷ đồng đối với Công ty CP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco).