Báo động ô nhiễm kháng sinh trên các dòng sông
Các nhà khoa học tại Đại học York (Vương quốc Anh) đã nghiên cứu nồng độ 14 loại kháng sinh phổ biến bị lẫn trong nước các dòng sông thuộc khu vực 72 quốc gia trên 6 lục địa, trong đó có các sông: Danube, Mekong, Sein, Thames, Chao Phraya, Tiber, Tigris.
Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát hiện chất kháng sinh trong 65% vị trí được khảo sát.
Báo động ô nhiễm kháng sinh trên các dòng sông. Ảnh minh họa |
Loại kháng sinh được phát hiện nhiều nhất trong các sông là trimethoprim. Đây là kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng bàng quang.
Một loại thuốc kháng sinh khác là ciprofloxacin, có nồng độ vượt quá ngưỡng an toàn, được phát hiện ở 51 nơi khảo sát. Tiếp đến là metronidazole, một loại kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí gây ra. Nồng độ của loại thuốc này trong một số dòng sông cũng vượt quá ngưỡng an toàn khá nhiều. Tại điểm khảo sát ở Bangladesh, nồng độ kháng sinh metronidazole vượt mức an toàn tới 300 lần.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, hiện tượng nồng độ kháng sinh vượt quá mức an toàn thường xuất hiện trong các dòng sông ở châu Á và châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia như Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan và Nigeria.
Nồng độ các chất kháng sinh cao nhất trong nước sông Thames là 233 nanogam/lít. Chỉ số này ở Bangladesh lớn hơn 170 lần.
Các nhà khoa học cũng cho biết, các dòng sông ở châu Âu, châu Mỹ cũng không thoát khỏi vấn đề ô nhiễm kháng sinh. Các phân tích mẫu nước cũng cho thấy ô nhiễm kháng sinh trong nước sông thuộc 2 châu lục này cũng vượt quá ngưỡng an toàn.
Như vậy, nước sông bị ô nhiễm kháng sinh đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, những nơi bị ô nhiễm kháng sinh nhiều nhất thường là lân cận các đống rác thải, hệ thống xả nước thải từ các nhà máy…