Báo động lỗ hổng giáo dục giới tính từ gia đình

Phải chăng việc định hướng, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính cho học sinh hiện nay còn nhiều lỗ hổng mà lớn nhất bắt nguồn từ chính gia đình...
Từ vụ việc nữ sinh lớp 7 tự sinh con, cảnh báo lỗ hổng trong giáo dục giới tính Giáo dục giới tính trẻ mầm non: Nói rõ kín, làm thì... hở

Con cái là tấm gương phản chiếu cha mẹ

Ngày 12/1 thông tin trên báo Thanh niên, một học sinh đang học lớp 7 tại trường THCS Võ Trường Toản, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sinh con ở phòng tắm của gia đình.

Cụ thể, ngày 3/1, em nữ sinh học lớp 7 ở nhà cùng mẹ và ông bà ngoại thì chuyển dạ sinh con và tự lấy kéo cắt dây rốn. Khi đó, mẹ và ông bà ngoại mới biết và đưa hai mẹ con đến Trung tâm y tế huyện kiểm tra và chăm sóc. Hai mẹ con nữ sinh yếu ớt vì khi mang bầu không được bồi bổ, chăm sóc.

Báo động lỗ hổng giáo dục giới tính từ gia đình
Ảnh minh họa

Em nữ sinh hiện đang học lớp 7 nhưng đã 15 tuổi do từng ở lại lớp 2 năm khi học tiểu học. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi mẹ nữ sinh lớp 7 mới 29 tuổi nhưng đã sinh con từ năm 14 tuổi. Người mẹ 29 tuổi một mình nuôi hai con trong đó nữ sinh này là con lớn và hàng ngày chị đi làm đến tối mới về nên không có thời gian để ý đến con.

Bày tỏ sự kinh ngạc, bàng hoàng, chị Nguyễn Thị Lan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đọc thông tin này tôi thật sự cảm thấy kinh ngạc, lo lắng bởi bản thân cũng có con gái đang ở tuổi dậy thì. Người mẹ 29 tuổi đã làm mẹ lần đầu khi mới 14 tuổi, cái tuổi còn chưa đủ trưởng thành thì rất khó để chăm lo cho con một cuộc sống tốt và dạy dỗ con một cách chỉn chu. Mẹ nữ sinh lớp 7 không hề hay biết chuyện con mang thai. Điều này cho thấy gia đình rất ít quan tâm đến con cái”.

“Người ta thường nói “con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ” hay “con hư tại mẹ” để nhắc đến vai trò định hướng, giáo dục từ gia đình. Một người mẹ có con từ quá sớm, không được trang bị những kiến thức cơ bản về giới tính thì cũng khó có sự quan tâm, giáo dục kỹ lưỡng với con cái để giúp tránh xa những cạm bẫy của xã hội”, chị Trần Thị Thanh Loan (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ quan điểm.

Đừng ngại nói với trẻ những điều “tế nhị”

Vấn đề đặt ra ở đây với các bậc cha mẹ là sự phát triển về thể chất, tâm lý ngày càng sớm của trẻ em đòi hỏi sự định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính. Tuy nhiên, tâm lý người phương Đông khiến hầu hết người lớn e ngại, không nhìn thẳng vào những vấn đề liên quan đến tình dục. Nhiều cha mẹ vẫn né tránh khi con trẻ hỏi “chuyện người lớn” và giữ quan niệm dạy cho trẻ hiểu về tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Bên cạnh đó, mạng internet được biết đến như là một công cụ thỏa mãn sự tò mò song không ít em đã bị thông tin lệch hướng, thậm chí thông tin sai dẫn đến những hậu quả buồn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc giáo dục giới tính cho trẻ em rất quan trọng, các bậc cha mẹ cần phải có kiến thức để giáo dục và hướng dẫn các con về cách quan hệ ứng xử trong vấn đề giới tính.

Nếu như tại nhiều quốc gia khác, cha mẹ thường cảm thấy ái ngại và bối rối, không biết phải mở lời với các con như thế nào về chủ đề giới tính thì tại Hà Lan, chủ đề này được các gia đình đề cập đến rất thường xuyên trong những lúc quây quần bên nhau.

Bên cạnh đó, giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy ở Hà Lan từ rất sớm. Thậm chí, trẻ em bậc tiểu học ở nước này còn được học những bài học về tôn trọng những người chuyển đổi giới tính, lưỡng tính hay đồng tính.

Có lẽ nhờ phương pháp này mà Hà Lan luôn được ca ngợi là một trong những quốc gia đi đầu về giáo dục giới tính. Ngoài ra, Hà Lan còn là một trong những nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất trên thế giới (khoảng 0,5%).

Còn tại Australia, vấn đề giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản được dạy ngay từ cấp tiểu học. Trẻ em, đặc biệt là bé gái ý thức rất rõ về quyền bất khả xâm phạm thân thể của mình. Việc muốn bế hay hôn những bé dưới tuổi vị thành niên cần phải được sự đồng ý của trẻ hoặc bố mẹ hay người giám hộ. Việc động chạm đến cơ thể người khác mà không được phép, luật pháp coi đó có thể là một hành vi quấy rối tình dục và bị xử phạt nặng.

Tuy nhiên, người Việt nói riêng và hầu hết những người Châu Á nói chung đều cảm thấy rất xấu hổ và e thẹn khi nói đến chủ đề đó. Cũng bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải.

Các phụ huynh quên rằng, ngay khi học sinh bước vào lớp 6 các bé gái đã bắt đầu có những thay đổi về mặt sinh lý và thể chất trong khi các em nam diễn ra chậm hơn một vài năm so với nữ. Ở những giai đoạn này, trẻ bắt đầu tỏ ra lo lắng và tò mò về những thay đổi cơ thể của mình. Nếu không được sự giáo dục và định hướng đúng đắn trẻ có thể rơi vào những hành vi tiêu cực và việc quan hệ tình dục là điều khó tránh khỏi.

Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khoẻ sinh sản. Hậu quả của quan hệ tình dục sớm, cũng như các vấn đề liên quan đến những thay đổi sinh lý và thể chất của các em ở độ tuổi này nhằm sớm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động