Báo chí với sứ mệnh “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”
“Cầu nối” lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế
Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu với việc mở các chuyên trang, chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp và nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn. Điều đó đã có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được sự thay đổi nhiều số phận, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.
Đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư năm 2021, cả nước đã phải đương đầu với những khó khăn, phức tạp do tốc độ lây lan nhanh, biến chủng khó lường. Bên cạnh việc đưa tin phản ánh trung thực tình hình dịch bệnh toàn thế giới, trong nước và trên địa bàn TP Hà Nội, các cơ quan báo chí đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền về sự nỗ lực chống dịch của các lực lượng cán bộ nhân viên y tế tuyến đầu, tinh thần chung tay ủng hộ chống dịch của đông đảo các tổ chức, cá nhân… Qua đó, báo chí củng cố thêm niềm tin, sức mạnh, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng với cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Phóng viên tiến hành khử khuẩn sau khi tác nghiệp tại địa điểm có ca mắc COVID-19 |
Qua ngòi bút của các phóng viên, nhà báo, hình ảnh đượm tình người giữa đại dịch hiện lên chân thực và xúc động. Hình ảnh về các chiến sĩ bộ đội, dân quân không quản ngại nắng mưa vất hỗ trợ người dân trong thời điểm cách ly y tế; Hình ảnh các y, bác sĩ, điều dưỡng trẻ tạm gác lại việc gia đình, cá nhân, sẵn sàng xung phong lên đường “chia lửa” với đồng nghiệp tại các điểm “nóng” như Bắc Giang, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, trân trọng của đông đảo bạn đọc.
Mỗi bài viết là một câu chuyện khác nhau nhưng có cùng điểm chung đều là những hành động đẹp, đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, tình cảm sâu sắc; Trở thành động lực và cảm hứng cho cộng đồng trong việc chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Trong đợt dịch vừa qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng là một trong những cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền về công tác phòng chống dịch. Không những vậy, báo còn kêu gọi nhiều đơn vị, doanh nghiệp, chung tay hỗ trợ các địa phương, các tổ chức, người dân vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, sớm ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, Tuổi trẻ Thủ đô luôn có một lực lượng đông đảo công chúng, bạn đọc, đối tác đồng hành tin tưởng và ủng hộ.
Không ngừng đấu tranh chống lại cái xấu
Không chỉ là “cầu nối” lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, báo chí chính là lực lượng thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội; Thông tin cập nhật tình hình trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, báo chí luôn được coi là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận tư tưởng, tạo sự thống nhất và liên kết trong xã hội nhằm giải quyết các nhiệm vụ xã hội. Trong đó, báo chí và dư luận xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng chặt chẽ tới nhau.
Trong công tác tuyên truyền, vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông đặc biệt quan trọng. Báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội, chính quyền địa phương… đến với Nhân dân Việt Nam cả trong và ngoài nước. Trong đó, báo chí là chủ thể khơi nguồn dư luận xã hội, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội và ngược lại, dư luận xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí; Đồng thời là thước đo để đánh giá khả năng và hiệu quả tác động của báo chí đối với xã hội. Trong xã hội hiện đại, phần lớn dư luận xã hội được “châm ngòi” từ báo chí.
Phóng viên là người không quản ngại khó khăn, vất vả, trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường để có thông tin kịp thời phục vụ khán giả |
Những năm gần đây, báo chí góp phần rất lớn trong việc phát huy những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức. Đây là những thành tích rất đáng trân trọng đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, ủng hộ.
Trong thời kỳ đổi mới, nước ta đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp định hướng dư luận mà còn đóng vai trò quan trọng là diễn đàn để người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các vấn đề của xã hội. Từ đó, báo chí góp phần đưa nước ta phát triển bền vững.
Do vậy, những người làm báo tiếp tục đi đầu trong định hướng dư luận xã hội; Thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác các hoạt động của đất nước; Bảo vệ, cổ vũ cho những cách làm hay, hành động đẹp, ứng xử có trách nhiệm, hướng đến cuộc sống an toàn, tốt đẹp và nhân văn hơn.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua gần một thế kỷ. Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ nào, dù đâu đó còn những nhà báo có động cơ và hành vi không đúng nhưng đích hướng tới của báo chí luôn là cái tốt đẹp, góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng khát vọng về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng là điều mà bất cứ người làm báo nào cũng luôn ghi nhớ để tiếp tục thực thi nhiệm vụ đầy cao cả, nhân văn.