Bánh pía nhiễm khuẩn ở Đà Nẵng chỉ có 8 gói được bán tại đại lý
Đà Nẵng: Phát hiện cơ sở phân phối bánh Pía không đảm bảo chất lượng |
Chiều 17/9, ông Trương Hải Hấu, Giám đốc Công ty TNHH Bánh pía - Lạp xưởng Hải Sơn (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết đại lý tại Đà Nẵng đã nộp phạt 300.000 đồng và chi phí xét nghiệm mẫu bánh sầu riêng trứng bị cho là không đạt yêu cầu về chất lượng.
Theo ông Hấu, phía doanh nghiệp cũng thu hồi khẩn cấp các sản phẩm thuộc lô hàng đóng gói ngày 21/8/2019, hạn sử dụng 20/10/2019, nhưng trên thị trường hiện nay không còn.
Ông Hấu khẳng định, trong đợt Tết Trung thu vừa qua, báo chí có đưa tin mẫu xét nghiệm sản phẩm bánh pía sầu riêng trứng hiệu Sông Trăng có chỉ tiêu Bacillus Cereus vượt mức cho phép. Mẫu bánh này được lấy tại đại lý đường Lê Độ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Cụ thể, ngày 26/8, đoàn thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng đến đại lý tại phường Thanh Khê lấy mẫu bánh pía kiểm tra. Phiếu kết quả thử nghiệm của cơ quan chức năng cho rằng mẫu bánh pía của công ty có một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định.
Các mẫu bánh Pía được bày bán tại một cơ sở trên thị trường (Ảnh: V.Q) |
Đến ngày 13/9, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng lập biên bản liên quan đến 8 gói bánh trị giá 400.000 đồng (50.000 đồng/gói).
Cùng ngày, đơn vị này phạt hành chính chủ đại lý kinh doanh bánh pía với số tiền 300.000 đồng theo Khoản 1, Điều 22, Nghị định 115/2018NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.
Ông Trương Hải Hấu cho biết Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho rằng mẫu bánh pía của Công ty Hải Sơn có chỉ tiêu Bacillus Cereus vượt mức cho phép nhưng doanh nghiệp vẫn chưa biết vượt ngưỡng là bao nhiêu vì đơn vị này chưa giao phiếu cho doanh nghiệp(?!).
Tuy nhiên, số tiền phạt hành chính 300.000 đồng được doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Doanh nghiệp cam kết thu hồi sản phẩm theo quy định của pháp luật.
"Sau khi đóng phạt, chủ đại lý gặp cán bộ Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng xin phiếu xét nghiệp với mong muốn làm sáng tỏ thêm sự việc và có hướng khắc phục, tránh bị lỗi tương tự nhưng nơi đây không cho. Theo tôi biết thì chủ doanh nghiệp sản xuất bánh có quyền tiếp cận phiếu xét nghiệm này để xác tín sự trung thực của nó" - ông Hấu thông tin.
Theo ông Hấu, sau khi lực lượng chức năng kiểm tra mẫu bánh tại Đà Nẵng và lập biên bản, không có cơ quan nào mời ông ra Đà Nẵng để xác tín lô hàng. Vì vậy, việc mẫu bánh bị nhiễm khuẩn hay không cần được phúc tra, có sự xác nhận của chủ doanh nghiệp về sản phẩm hàng hóa theo đúng quy trình.
Theo cơ quan chức năng, đơn vị lấy mẫu phải có nhiệm vụ cung cấp phiếu xét nghiệm cho nhà sản xuất, để doanh nghiệp biết rõ sản phẩm của họ bị lỗi gì, vượt chỉ tiêu cho phép là bao nhiêu. Do đó, nếu Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng không cung cấp phiếu xét nghiệm cho ông Hấu có thể là sai.
Do đó, doanh nghiệp đang khẩn trương tìm nguyên nhân vì sao lô bánh sản xuất ngày 21/8/2019 có một chỉ tiêu an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu. Vì vậy, sự cố xảy ra có thể do lỗi trong quá trình bảo quản ẩm thấp.
"Một lô hàng sản xuất ra ít nhất 1.000 gói và người tiêu dùng sử dụng bình thường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, 8 gói bánh tại đại lý ở Đà Nẵng nếu thật sự bị sự cố là có thể do bảo quản, vận chuyển không đạt yêu cầu" - ông Hấu cho hay.
Được biết, sau khi thu hồi 8 gói bánh trên, các sản phẩm của doanh nghiệp vẫn được bán bình thường trên thị trường.