Bản đồ số Việt Nam chính thức ra mắt, hiển thị rõ từng số nhà
Hi hữu: Trộm tài sản nhưng thấy ân hận nên tới công an đầu thú |
Đây là hai sản phẩm nổi bật từ đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa", do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Điểm khác biệt nhất của 2 sản phẩm này là nguồn dữ liệu và địa chỉ của người dùng Việt Nam chi tiết hơn các nền tảng hiện có.
Trong đó, bản đồ số Vmap do Bưu điện Việt Nam chủ trì phát triển tập trung vào xây dựng nguồn dữ liệu và địa chỉ của người dùng Việt Nam. Để xây nên hệ thống dữ liệu này, đã có hơn 120.000 nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên trực tiếp đi thu thập thông tin trong hơn 3 tháng.
Bản đồ số Việt Nam chính thức ra mắt |
Với mỗi dữ liệu, Vmap hiển thị các lớp bản đồ riêng, cùng khả năng hiển thị địa chỉ chi tiết từng số nhà dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu vùng xa. Dữ liệu này có thể được ứng dụng trong kinh doanh như cung cấp cho các đơn vị giao hàng, ứng dụng trên các hệ thống khác.
Dữ liệu địa chỉ khu vực Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội trên bản đồ số Vmap |
Dự án Vmap không chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm.
Hiện Vmap mới sử dụng được trên dữ liệu web, chưa có app sử dụng trên điện thoại thông minh.
Kế thừa các địa chỉ số từ Vmap, hệ thống iNhandao được phát triển nhằm tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời.
Giai đoạn đầu iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác. Từ đó các hoạt động của các nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm và mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.
Tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự vui mừng khi “hạt giống” chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo của Hệ tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” trong đó có dự án Vmap và iNhandao. Mặc dù mới ra mắt ở giai đoạn một nhưng những nền tảng này đã được cộng đồng đón nhận, bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn.
Lấy ví dụ iNhandao hiện mới dừng ở mức đưa các thông tin địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp, Phó Thủ tướng cho rằng những bước tiếp theo hệ thống này phải kết nối được tất cả mọi người trong xã hội có mong muốn, khả năng trợ giúp về vật chất, tinh thần, kiến thức, thời gian…
“Một cháu học sinh nghèo muốn có một đôi dép hay chiếc cặp sách nhưng cụ thể hơn là đôi dép, cặp sách đó màu gì, kích cỡ ra sao hay những người cần trợ giúp về thời gian, kiến thức, tư vấn… thì đều được kết nối với những tấm lòng thiện nguyện. Và những trợ giúp từ người có tấm lòng đến người nhận sẽ được công khai, minh bạch hoàn toàn. Từ đó lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội”, Phó Thủ tướng nói.