Hà Nội thực hiện văn hóa công sở

Bài 3: Thay đổi trong văn hóa ứng xử nơi công sở là xu thế tất yếu

“Trong phong trào Hà Nội thi đua thực hiện văn hóa công sở, công nghệ góp phần quan trọng điều chỉnh văn hóa công sở, uốn nắn ứng xử lệch chuẩn, trả nền hành chính phục vụ về đúng vị trí của nó” - Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ.    
Văn hóa công sở ở Hà Nội: Thực hiện nghiêm, tăng kỷ luật, nâng hiệu quả Hà Nội thực hiện văn hóa công sở - Bài 2: Những cán bộ bỏ quên văn hóa ở cổng cơ quan Hà Nội thực hiện văn hóa công sở - Bài 1: Ghi điểm từ những điều nhỏ nhặt
bai 3 thay doi trong van hoa ung xu noi cong so la xu the tat yeu
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Thay đổi từ suy nghĩ đến hành động là xu thế tất yếu

- Ông có thể cho biết, vì sao Hà Nội lại ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử năm 2017 và liên tục phát động các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở?

Đã có một thời gian dài, nền hành chính nước ta vận hành theo cơ chế “xin – cho”, những tư tưởng xin - cho ở một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn, để trả mọi thứ về đúng vị trí của nó, chúng ta buộc phải thay đổi. Hơn thế, bằng sự giám sát của công nghệ, như phần mềm điều hành tác nghiệp kiểm soát công việc, camera tại các cơ quan, bằng điện thoại thông minh mỗi người dân là một “nhà báo”… Những ứng xử thiếu chuẩn mực, trì trệ trong công việc lập tức được phản ánh và xử lý. Những điều đó thôi thúc tạo thành xu thế của nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ.

- Mục tiêu quan trọng nhất khi UBND TP ban hành quy tắc ứng xử trong cơ quan là gì, thưa ông?

Tất cả các điều trong quy tắc ứng xử trong cơ quan đều hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi cách ứng xử với người dân của cán bộ, công chức, bên cạnh đó là ứng xử với đồng nghiệp, với công việc được giao... bảo đảm yêu cầu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện.

Ứng xử với người dân và phong cách phục vụ đã thay đổi

- Thành phố đã đưa quy tắc ứng xử vào thực hiện được 2 năm, ông thấy sự thay đổi ở các cơ quan công sở diễn ra như thế nào?

Tôi đã đi làm thủ tục chuyển hộ khẩu và chứng minh thư ở phường Dịch Vọng Hậu và ở quận Cầu giấy. Trước kia hình dung về việc chuyển khẩu là cái gì đó rất phức tạp, khó khăn, ngại thực hiện, thậm chí phải nhờ vả quen thân. Tuy nhiên, qua bộ phận hành chính một cửa, mọi việc đều khác biệt rõ ràng so với trước đây. Ngoài trang phục lịch sự, thái độ thân thiện, quan trọng nhất, luôn có lịch hẹn rõ ràng cho công dân và cứ đúng lịch hẹn là có kết quả.

Nhiều người từng phàn nàn về thủ tục hành chính mỗi ngày hướng dẫn thêm một loại giấy tờ, chạy đi chạy lại, bây giờ quay trở lại giao dịch thực sự bất ngờ trước phong cách phục vụ đã thay đổi của cơ quan nhà nước.

Ở bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với người dân, thay đổi dễ nhận thấy nhất là trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, lời nói đúng mực, trụ sở được bố trí thân thiện, các khẩu hiệu hành động được treo trang nghiêm giúp cán bộ, công chức và người dân được nhắc nhở thường xuyên.

bai 3 thay doi trong van hoa ung xu noi cong so la xu the tat yeu
Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính

Bề ngoài là vậy, còn hiệu quả công việc cũng được nâng lên khi các cán bộ ứng dụng hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý công việc nên không bị sót việc, đầu việc được xử lý đúng thời gian… đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhiều quận, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ cùng thực hiện phong trào thi đua thực hiện văn hóa công vụ và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Có thể kể đến quận Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Đống Đa…

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở, có cách làm sáng tạo để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân. Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ của tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó đề xuất UBND TP khen thưởng, khuyến khích phong trào.

- Trong khi Hà Nội thi đua thực hiện văn hóa công sở, người dân và báo chí vẫn phản ánh về những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Thực tế là bên cạnh việc làm tốt quy tắc ứng xử nơi công sở, vẫn còn cán bộ chưa thực hiện tốt điều này mà báo chí và người dân đã phản ánh. Có thể kể đến một vài “lỗi” phổ biến như: đột xuất “đóng cửa” không phục vụ người dân, không thực hiện đúng giờ giấc làm việc, thái độ, tác phong tiếp công dân chưa đúng mực, thiếu linh hoạt, cứng nhắc…

Theo tôi, những biểu hiện “lệch chuẩn” như trên không còn nhiều. Việc thực hiện quy tắc ứng xử, nhất là cán bộ ứng xử với người dân nơi công sở phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và thói quen của từng cá nhân. Vì vậy, để thay đổi nhận thức và thói quen của mỗi người cần phải có thời gian.

Kì vọng nhân viên công sở có tác phong “phục vụ”

- Hà Nội là một trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và đang hướng tới cung cấp dịch vụ công cấp độ 3,4 rộng khắp. Theo ông, công nghệ hỗ trợ nền hành chính hiện đại như thế nào, có giúp ích gì cho thực hiện văn hóa công sở hay không?

Một nền hành chính hiện đại, thân thiện và văn minh không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của công nghệ. Một mặt, công nghệ giúp cán bộ viên chức giảm bớt thời gian xử lý công việc, hoàn thành đúng lịch hẹn với người dân. Mặt khác, nó có vai trò như một người giám sát gián tiếp khi mọi thứ đều lưu vết.

Nếu như trước đây, cán bộ viên chức có thể đóng cửa trong giờ làm việc, nói giấy tờ công văn bị thất lạc… thì nay công nghệ giúp kiểm soát ngay được việc nhận văn bản, giấy tờ khi nào, xử lý ra sao trên hệ thống. Đó là chưa kể người dân có thể chụp ảnh, quay phim ngay các hành vi lệch chuẩn và đăng trên mạng xã hội khiến thông tin nhanh chóng lan ra. Đó cũng là “động lực” giúp cán bộ thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trong cơ quan và buộc phải thay đổi trong cách ứng xử với người dân, với công việc.

Như vậy có thể nói, công nghệ góp phần hạn chế tiêu cực, sách nhiễu khi cán bộ công chức ít tiếp xúc trực tiếp với công dân, mọi thủ tục được công khai rõ ràng, rõ thời gian và kết quả công việc.

- Như ông nói thì vai trò giám sát thực hiện văn hóa công sở của người dân rất quan trọng. Vậy chế tài giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở được thực hiện như thế nào?

Có rất nhiều “chế tài” đã áp dụng để việc thực hiện quy tắc ứng xử được thực hiện nghiêm túc.

Có thể kể đến việc làm thường xuyên đã dần trở thành nền nếp như: thực hiện thang chấm điểm đối với từng cán bộ hằng tháng; nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng có kiểm điểm, nhắc nhở việc thực hiện quy tắc ứng xử; viết và biểu dương gương điển hình tiên tiến thực hiện tốt quy tắc ứng xử; đưa văn hóa ứng xử vào là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại đồng thời xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tùy từng cơ quan, đơn vị, việc biểu dương gương tốt được thực hiện theo quý để động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân thực hiện tốt văn hóa công sở.

Trong các “chế tài” xử lý, có lẽ hiệu quả nhất là quy trách nhiệm để xảy ra tồn tại trong văn hóa ứng xử cho người đứng đầu cơ quan đơn vị. Người đứng đầu phải làm gương và phải xử lý nghiêm nếu cơ quan, đơn vị mình có phản ánh, có sai phạm. Điều quan trọng vẫn phải là thực hiện nghiêm và xử lý nghiêm, nghĩa là “đúng người, đúng tội”.

Thứ nữa là việc công khai quy trình thủ tục, quy tắc ứng xử giúp người dân giám sát chặt chẽ cán bộ cũng “thúc” cán bộ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, trở về vị trí là người “phục vụ nhân dân”.

- Ông có kì vọng gì về văn hóa công sở của Hà Nội trong thời gian tới?

Tôi rất ấn tượng với cách làm việc của nhân viên hàng không và các ngành dịch vụ: Thân thiện, lịch sự, kiên trì mềm mỏng, nhưng rất nguyên tắc. Khách hàng nổi nóng, họ cũng vô cùng mềm mỏng và lịch sự. Đó là vì họ ý thức được vị trí của mình là phục vụ khách hàng.

Cán bộ công chức cũng vậy. Chỉ khi ý thức được bản thân mình ở vị trí phục vụ nhân dân, sự thay đổi không phải chỉ vì người dân mà cũng vì chính mình, vì công việc và sự tiến bộ của mình thì họ mới làm tốt nhất được. Khi ấy, nền hành chính của của chúng ta sẽ thực sự là một nền hành chính phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Doãn Hưng - Hoài An
Phiên bản di động