Bài 3: Làm thế nào để có “BlackPink Việt”?
"Méo mặt" vì "ôm" vé concert BlackPink Bài 2: Từ “cơn sốt” BlackPink, kinh nghiệm cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá Công nghiệp văn hoá nhìn từ bốn cô gái xinh đẹp BlackPink |
Có chiến lược đào tạo tài năng âm nhạc
Là người đầu tiên dám kết hợp xẩm với rap và nhạc hiện đại (rap, nhạc điện tử) ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) tạo ra tiếng vang lớn và nhận về lượng fan hùng hậu. Giống như nhiều bạn trẻ khác Hà Myo cũng dành sự quan tâm đến sự kiện nhóm nhạc BlackPink đến Việt Nam biểu diễn.
Theo Hà Myo, để tạo nên sức hút lớn BlackPink hội tụ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, không thể phủ nhận chất lượng âm nhạc và sự phối hợp với hình ảnh rất đẹp. BlackPink nổi tiếng với các bài hát sôi động, phong cách âm nhạc kết hợp giữa nhiều thể loại như Pop, Hip-hop và EDM. Họ thường có những giai điệu bắt tai và điệp khúc dễ nhớ, đồng thời sử dụng hình ảnh cá tính và độc đáo để tạo nên sự khác biệt.
Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Myo) |
BlackPink có khả năng thu hút khán giả thông qua các phần trình diễn năng động, những điệu nhảy chất lượng cao và sự tự tin trên sân khấu. Tuy là nhóm nhạc Hàn Quốc nhưng họ nhận được sự quan tâm từ khán giả toàn thế giới, tạo ra một cộng đồng fan quốc tế đông đảo thông qua các nền tảng mạng xã hội, như Instagram, YouTube và Twitter.
Họ thường xuyên tương tác với người hâm mộ, chia sẻ thông tin, hình ảnh và video để duy trì mối quan hệ gần gũi và tạo sự kết nối đặc biệt. Mặt khác, cả nhóm đều có khả năng ngoại ngữ tiếng Anh rất tốt nên không có rào cản khi giao lưu với các fan cũng như trò truyện ở các buổi họp báo hay gặp gỡ khán giả. Những điều này cho thấy họ được đào tạo một cách bài bản và có định hướng ngay từ đầu.
Từ những yếu tố trên không khó để lý giải vì sao tour diễn Born Pink của nhóm nhạc nữ này lại có sức hút lớn như vậy. Điều đó cũng cho thấy sự phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc khiến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải học hỏi.
“Hàn Quốc có thể được coi là “người thầy” về phát triển công nghiệp âm nhạc nói riêng công nghiệp văn hóa nói chung để áp dụng vào thực tiễn nước ta. Mình nghĩ, Việt Nam cần tăng cường việc xây dựng đào tạo tài năng âm nhạc, nuôi dưỡng và phát triển các nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng hệ thống quản lý và sản xuất chuyên nghiệp cho công nghiệp giải trí, từ việc quản lý nghệ sĩ, sản xuất âm nhạc, thiết kế hình ảnh đến tổ chức sự kiện và tour diễn”, ca sĩ Hà Myo chia sẻ.
Hà Myo được nhiều người biết đến khi tiên phong kết hợp truyền thống với hiện đại trong âm nhạc |
Cũng theo Hà Myo, việc tăng cường đào tạo và phát triển tài năng âm nhạc từ sớm là yếu tố tiên quyết để tạo ra “BlackPink Việt”. Mặt khác, marketing và quảng bá sáng tạo cũng như ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số cũng là vấn đề cần học hỏi. Việt Nam có thể khai thác tiềm năng của công nghệ và kỹ thuật số để phát triển các dịch vụ âm nhạc trực tuyến, nền tảng streaming và tiếp cận người hâm mộ một cách hiệu quả.
Đặc biệt, Việt Nam có một di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Chúng ta có thể phát huy sự đa dạng văn hóa thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết hợp các yếu tố truyền thống với hiện đại để tạo ra những sản phẩm sáng tạo và độc đáo.
Cần những “cái đầu” dám nghĩ dám làm
Ca sĩ Lê Anh Dũng cũng cho rằng, đằng sau sự nổi tiếng và ảnh hưởng toàn cầu của các nhóm nhạc như BlackPink... là sức ảnh hưởng của một nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh. Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ không chỉ hàng đầu châu Á mà gần như cả thế giới, ngay cả các quốc gia lớn như Mỹ cũng phải học hỏi. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, Kpop mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho kinh tế Hàn Quốc.
Ca sĩ Lê Anh Dũng |
Đứng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám xứ Kim Chi chính là một cỗ máy được vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản đó là các tập đoàn giải trí lớn. Nhìn về những nỗ lực của xây dựng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, chúng ta đã và đang dần có được những nhân tố có thể vươn ra thế giới như Sơn Tùng MTP, Hoàng Thùy Linh…
Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có những tập đoàn, công ty lớn có thể tổ chức các show diễn đẩy hình ảnh nghệ sĩ ra thế giới như Hàn Quốc. “Có rất ít công ty làm được điều này và hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam cũng đang phải sử dụng công nghệ của nước ngoài để làm hình ảnh cũng như quảng bá sản phẩm. Đây là điều chúng ta phải học hỏi ở các tập đoàn giải trí Hàn Quốc nói riêng, thế giới nói chung”, ca sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ.
Ca sĩ Lê Anh Dũng được nhiều khán giả mến mộ |
Theo TS Đặng Thiếu Ngân - chuyên gia hàng đầu về làn sóng Hàn lưu (Hallyu), từ những năm đầu thập niên 1990, những người làm trong ngành công nghiệp âm nhạc Kpop như nhà sản xuất, các công ty giải trí, các quan chức quản lý về luật định... đã có rất nhiều nghiên cứu, thảo luận, xây dựng mô hình và đánh giá từ các thực tế để ngày càng hoàn thiện và tiếp cận đến phạm vi khán giả rộng lớn hơn. Họ không ngừng làm mới bản thân, sẵn sàng đầu tư để học hỏi từ những nền công nghiệp âm nhạc, giải trí tiên tiến, đồ sộ. Họ chấp nhận những khái niệm từ văn hóa toàn cầu rồi sau đó “Hàn hóa” để ngày càng hoàn thiện Kpop chỉn chu hơn, hấp dẫn hơn, độc đáo hơn. |
Cũng theo ca sĩ Lê Anh Dũng, Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể tạo ra “BlackPink Việt”. Việc khán giả Việt sẵn sàng chi ra số tiền lớn để được xem thần tượng biểu diễn cho thấy thị trường âm nhạc Việt sôi động không kém Hàn Quốc. Mặt khác, ngành công nghiệp văn hóa - giải trí của Hàn Quốc cũng đánh giá fan Việt là một trong những cộng đồng - thị trường tiềm năng, để dẫn đến sự kiện lần này, BlackPink tới Hà Nội.
Vì vậy, việc tạo ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu khán giả rất quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nghệ sĩ chiếm 60%, 40% còn lại phụ thuộc vào cách truyền thông, quảng bá sản phẩm. “Chúng ta cần có tập đoàn, công ty với những người đứng đầu dám nghĩ, dám làm để đào tạo, tổ chức các show diễn đưa hình ảnh của nghệ sĩ ra thế giới. Âm nhạc Việt Nam muốn vươn ra thế giới, muốn có những “BlackPink Việt” cũng cần có chính sách phát triển bền vững ở tầm quốc gia”, ca sĩ Lê Anh Dũng cho biết.
Hỗ trợ nghệ sĩ trẻ có khát vọng vươn tầm thế giới
Theo ca sĩ Duy Khoa, từ thập niên 90 của thế kỷ trước làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ ở Việt Nam và toàn thế giới. Ngay từ khi đó, Hàn Quốc đã có chiến lược quảng bá văn hóa thông qua điện ảnh, âm nhạc và đến nay, Kpop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Hàn Quốc.
Ca sĩ Duy Khoa |
Với việc phát triển của internet tạo ra thế giới phẳng giúp nghệ sĩ Việt tiếp cận được với nhiều đối tượng khán giả hơn. Ngoài ra, nghệ sĩ không chỉ có tác phẩm tiếng Việt mà cả tiếng Anh giúp dần xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và tiếp cận với khán giả trên toàn thế giới.
“Gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt có khát vọng vươn tầm thế giới thông qua qua việc họ chi số tiền lớn để hợp tác với các ngôi sao quốc tế như Sơn Tùng MTP… Những nghệ sĩ tiên phong, có khát vọng vươn tầm thế giới này rất cần có sự ủng hộ, hỗ trợ để có bước đi bền vững”, ca sĩ Duy Khoa cho biết.
Tuy nhiên, để có thể đạt tới tầm như BlackPink, nghệ sĩ Việt cần có các công ty, tập đoàn giải trí lớn, chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam lại chưa có những đơn vị đáp ứng được những yếu tố này. Vì vậy, theo ca sĩ Duy Khoa nhà nước cần có chính sách định hướng quảng bá văn hóa để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Đây là chặng đường dài hơi, cần định hướng trong 5 năm, 10 năm, 20 năm nhưng nên bắt đầu càng sớm càng tốt để có thể đưa hình ảnh nghệ sĩ Việt vươn tầm thế giới, đồng thời thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa phát phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo ca sĩ Duy Khoa, ngoài nghệ sĩ nỗ lực thực hiện sản phẩm chất lượng, có trị tích cực với người nghe, các cơ quan văn hóa cần phải có chiến lược sử dụng âm nhạc, điện ảnh, thời trang… để quảng bá văn hóa Việt. Người làm chính sách phải tính toán để xây dựng chiến lược lâu dài. Trước đây, chúng ta có chiến lược quảng bá du lịch Việt và đã được nhiều thành quả thì nay cũng phải có chiến lược sử dụng âm nhạc, điện ảnh để văn hóa Việt lan tỏa trên thế giới.
“Với sự phát triển của internet cộng với những tài năng âm nhạc hiện nay, tôi tin chúng ta sẽ có những “BlackPink Việt” trong tương lai không xa. Quảng bá văn hóa Việt thông qua con đường âm nhạc, phim ảnh sẽ thuận lợi và đi xa hơn rất nhiều”, ca sĩ Duy Khoa chia sẻ.
BlackPink là nhóm nhạc nữ Hàn Quốc mới chỉ được thành lập vào năm 2016 bởi Công ty giải trí YG Entertainment, bao gồm bốn thành viên: Jisoo, Jennie, Rose. Lisa. Ra mắt vào tháng 8 năm 2016 với đĩa đơn “Square One”, ngay sau đó hai ca khúc “Whestle” và “Boombayah” trở thành hiện tượng trong làng âm nhạc, đạt tỉ lệ xem và theo dõi rất cao. Tiếp tục đà thành công, BlackPink cho ra đời các sản phẩm tiếp theo “Playing with fire”, “Stay”, “Ddu-Du Ddu-Du”... Sức hút của nhóm nhạc nữ này khiến các trang báo thường xuyên khai thác thông tin, lịch trình cũng như cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các thành viên. |
(Còn nữa)