Từ chỉ đạo của Hồ Chí Minh đến sự chuẩn bị và chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không"

Bài 1: “Dám đánh", "quyết đánh” và “đánh thắng” B-52 của Mỹ

Chỉ đạo chiến lược của Hồ Chí Minh về “Dám đánh, "quyết đánh” và “đánh thắng” pháo đài bay B-52 của Mỹ là tiền đề cho chiến thắng vang dội của trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công vĩ đại của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến thắng ấy bắt nguồn từ chỉ đạo chiến lược của Hồ Chí Minh, cũng như sự chuẩn bị và ý chí quyết đánh, quyết thắng của quân và dân miền Bắc, nhất là ở Thủ đô Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân kỷ niệm 51 năm sự kiện này, BBT chuyên trang TTPL đăng loạt bài của Thượng tá, Tiến sỹ Trịnh Quốc Việt – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Gia Lai có tựa đề: “Từ chỉ đạo của Hồ Chí Minh đến sự chuẩn bị và chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Bài 1: “Dám đánh, "quyết đánh” và “đánh thắng” pháo đài bay của Mỹ

51 năm trước, quân và dân miền Bắc với nòng cốt là lực lượng phòng không, không quân nhân dân đã tạo nên một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Chiến công đó là kết quả của nhiều yếu tố, song nó được bắt nguồn từ chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự chuẩn bị tích cực, chủ động, mưu trí, sáng tạo của lực lượng phòng không, không quân và Nhân dân miền Bắc.

Trong lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự phân tích, đánh giá đúng tình hình, dự kiến được các khả năng có thể xảy ra và phương án giải quyết vấn đề. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tầm nhìn chiến lược về thời cuộc, nhất là đánh giá đúng về dã tâm, âm mưu của kẻ thù. Từ đó, Người cùng với Trung ương Đảng có những dự báo rất chính xác về diễn biến, kết cục chiến tranh. Đây chính là tiền đề để Người cùng với Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta từng bước đánh bại quân Mỹ xâm lược.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, từ phân tích, đánh giá đúng về âm mưu của Chính phủ Mỹ khi hất cẳng Pháp và nhảy vào miền Nam Việt Nam, Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II, ngày 15/7/1954, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào”. Và Người đã có dự cảm từ rất sớm, về khả năng Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc bằng sức mạnh của lực lượng không quân hiện đại, để phá hủy hậu phương lớn của chiến trường miền Nam. Và điều đó, được Người dự liệu bằng những chỉ đạo tổ chức lực lượng phòng không trên cơ sở lực lượng phòng không từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, để bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội trước mưu đồ của Mỹ, Người nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sỹ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sỹ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966 (ảnh tư liệu)

Theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Đại đoàn Phòng không chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập cùng với các đơn vị không quân để bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Trong giai đoạn đó, Hồ Chí Minh đã chú ý đến vũ khí chiến lược của Quân đội Mỹ là pháo đài bay B-52. Đến năm 1962, nhân dịp thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không và giao nhiệm vụ cho Đại tá Phùng Thế Tài làm Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh Phòng không, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài với yêu cầu vị tân Tư lệnh một binh chủng hiện đại của quân đội ta phải biết yêu thương bộ đội, nghiêm khắc sửa chữa tính nóng nảy, nhất là nhanh chóng tập trung vào những việc hệ trọng. Sau khi giao nhiệm vụ, Bác hỏi đồng chí Phùng Thế Tài: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?” Thấy Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không thực sự lúng túng, Bác cười độ lượng: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới có pháo cao xạ thôi. Nhưng ngay từ ngày nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.

Trên thực tế, Mỹ đã sử dụng B-52 thay thế cho không quân chiến thuật ở một số trận đánh cấp chiến dịch ở chiến trường miền Nam. Ngày 16/8/1965, Mỹ đưa B-52 tiến hành cuộc oanh tạc đầu tiên vào khu vực Bến Cát, Tây Bắc Sài Gòn theo phương thức ném bom rải thảm. Do khả năng phòng không của ta ở đó còn hạn chế, nên Mỹ rắp tâm tăng cường sử dụng B-52 ở chiến trường Việt Nam.

Theo sát tình hình chiến sự, chỉ một tháng sau sự kiện trên, ngày 19/7/1965, Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo, Quân chủng Phòng không - Không quân (mới hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân ngày 22/10/1963), nhân dịp Bộ đội tên lửa chuẩn bị ra quân trận đầu. Bằng sự thông tuệ và am tường về nghệ thuật tác chiến và cách đánh của các lực lượng trong quân đội, nhất là với bộ đội phòng không - không quân là quân chủng có nhiều lực lượng khác nhau, yêu cầu phối hợp hiệp đồng tác chiến đòi hỏi rất chặt chẽ, phức tạp và phải luyện tập thật công phu. Người đã chỉ đạo rất cụ thể: “Bộ đội phòng không - không quân có nhiều binh chủng hợp thành, lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng giữa, ai đánh trên cao phải phối hợp rất chặt chẽ… Phải có tinh thần lập công tập thể”. Từ đó, Người đã chỉ thị và động viên, khích lệ: “Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Và Người còn nêu lên và truyền quyết tâm chiến đấu của Đảng, dân tộc cho bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân: “Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: "Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" là nhất định thắng… Đánh nhau có hy sinh, có gian khổ, nhưng bền gan, vững chí thì cuối cùng ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Bài 1: “Dám đánh
Tài liệu "Cách đánh B-52"

Cuối năm 1967, trong một lần làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng, đặc trách chỉ đạo chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua… nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây”. Và tay Người chỉ lên bầu trời Hà Nội.

Như vậy, những chỉ dẫn và dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 60, trước khi Mỹ tổ chức tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972 hàng chục năm, đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Người trong chỉ đạo tác chiến - yếu tố rất quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc nói chung và đấu tranh bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc.

Bài 2. Sự chuẩn bị và ý chí quyết tâm của quân và dân ta

Mỹ điều “pháo đài bay” B-52 “thị uy” trên Biển Đông
TS.Trịnh Quốc Việt
Phiên bản di động