Bắc Ninh: Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cuộc họp và chỉ đạo nhằm đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. |
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp hoạt động với hàng nghìn lao động và các chuyên gia nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp vẫn có khả năng ổn định sản xuất như ngành chế biến thực phẩm hay Tập đoàn Samsung cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn, do đã chủ động kế hoạch sản xuất từ năm 2019. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp đang gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất khi 50% kim ngạch xuất khẩu và 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Không chỉ doanh nghiệp sản xuất bị thiệt hại mà các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 do nhiều tour, tuyến, phòng bị hủy, lượng khách du lịch giảm rõ rệt.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất mà nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. |
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền thông tin về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, phân công đầu mối chủ động liên lạc với các doanh nghiệp để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có những chỉ đạo cụ thể.
Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp
Các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đề xuất phương án đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Công bố, công khai việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện; tăng cường tuyên truyền và tích cực nghiên cứu các phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các TTHC cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát trình tự, thủ tục, hồ sơ của tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh phù hợp với quy định của Trung ương, đảm bảo sự hoạt động đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.
Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan báo cáo thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, từ đó có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất; đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đảm bảo thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động. Khảo sát, đánh giá tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Trung ương và của tỉnh trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.