Bắc Ninh: Khởi tố hình sự vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi
Trước đó như Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin, khoảng 17h ngày 21/8, cháu Nguyễn Cao Gia Bảo cùng bố đến Công viên Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh chơi. Sau đó ít phút, người bố không thấy con đâu liền đi tìm và báo cáo các cơ quan chức năng; đồng thời, đăng tải thông tin cháu bé mất tích lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ.
Người phụ nữ lạ mặt tiếp cận với bé trai 2 lần tại công viên |
Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều 22/8, lực lượng chức năng bước đầu xác định đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc cháu Nguyễn Cao Gia Bảo là Nguyễn Thị Thu (SN 1988, quê quán tại tổ 5, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), trú ở xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); làm công nhân tại thành phố Bắc Ninh và trọ tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh.
Đến 21h30p ngày 22/8, lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh được sự hỗ trợ của Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, giải cứu thành công cháu bé tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Ngay trong đêm 22/8, cháu Gia Bảo được lực lượng chức năng đưa từ Tuyên Quang về thành phố Bắc Ninh. |
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh, Thu khai nhận, năm 2011, Thu lấy chồng và có một người con, sau đó Thu và chồng ly thân. Năm 2017, Thu quen biết với Đặng Văn Bằng (SN 1987, ở xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và đã tổ chức đám cưới.
Sau khi phát hiện Thu đã có chồng, Bằng yêu cầu Thu giải quyết ly hôn với chồng cũ, lúc này Thu đang mang thai khoảng bốn tháng.
Đối tượng Nguyễn Thị Thu tại cơ quan điều tra. |
Tiếp đó, Thu chuyển về Cao Bằng sống và vẫn nói chuyện với Bằng. Đầu năm 2019, Thu sinh con trai, sau đó cháu bé ốm và tử vong nhưng Thu không nói cho Bằng biết. Do muốn quay lại với Bằng, Thu nảy sinh ý định bắt cóc một bé trai có độ tuổi bằng với con mình để nói dối là con của mình với Bằng.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 2 người đến 5 người; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%. 3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 6 người trở lên; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. |