Bắc Giang tổ chức phiên giải trình, chất vấn một số vấn đề liên quan đến di tích
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, bà Lâm Thị Hương Thành chủ trì phiên giải trình. Cùng dự có lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, bà Lâm Thị Hương Thành - chủ trì phiên giải trình, chất vấn (Ảnh: Tường Vi) |
Theo báo cáo tại phiên họp, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 2.000 di tích, trong đó nhiều di tích là những công trình cổ kính, có kiến trúc độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 734 di tích được xếp hạng (quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh). Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Tuy nhiên, qua khảo sát, công tác quản lý nhà nước, bảo quản, tu bổ di tích còn nhiều tồn tại. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, nhất là các quy định về xây dựng dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích còn hạn chế dẫn tới việc hiểu và thực hiện của một số cán bộ, công chức cấp xã còn chưa tốt; hoạt động tuyên truyền, quảng bá di tích chưa được quan tâm, thiếu bảng thông tin giới thiệu, nội quy, quy chế tham quan. Việc sắp xếp, bài trí hiện vật trong di tích ở một số nơi còn lộn xộn, vẫn có tình trạng đặt các linh vật ngoại lai hoặc các tượng phật không phù hợp với di tích. Một số di tích công tác vệ sinh, cảnh quan môi trường chưa đảm bảo; có di tích còn tận dụng làm nơi kinh doanh. Việc quản lý, trông coi trực tiếp tại các di tích mỗi nơi một khác; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên…
Các đại biểu tham dự buổi giải trình chất vấn nghe báo cáo kết quả khảo sát |
Tại phiên giải trình, chất vấn, các đại biểu đặt ra vấn đề việc phân bổ, giải ngân vốn trong triển khai tu bổ di tích trên địa bàn cơ bản chậm tiến độ so với kế hoạch, việc này sẽ dẫn tới tình trạng nhiều di tích nằm trong danh mục được hỗ trợ vốn ngân sách ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ; có hướng dẫn cụ thể việc phân bổ ngân sách đối với từng loại di tích (đã hoặc chưa được xếp hạng); tiến độ giải ngân vốn và thi công công trình được quyết định hỗ trợ tu bổ. Các đại biểu đề xuất giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các di tích được xếp hạng; tình trạng đặt các linh vật ngoại lai hoặc tượng phật không phù hợp tại các đình, chùa.
Làm rõ một số nội dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Sỹ Cầm phân tích nhiều địa phương chưa bố trí được kinh phí đối ứng từ ngân sách, đồng thời gặp khó khăn trong huy động nguồn xã hội hóa; một số địa phương có nhu cầu chuyển nguồn tu bổ sang di tích khác. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn và thi công công trình được quyết định hỗ trợ tu bổ. Thời gian tới, đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết trong triển khai tu bổ, phục hồi di tích nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Sỹ Cầm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang giải trình một số nội dung được các đại biểu nêu tại phiên giải trình, chất vấn |
Phát biểu kết luận phiên giải trình, chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2019 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Từ đó, quan tâm bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, đặc biệt bám sát quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, UBND tỉnh, các ngành quan tâm đến công tác quy hoạch di tích.
Đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các di tích được xếp hạng. Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể về quy trình thẩm định của từng cấp về đầu tư vốn cho tu bổ di tích. UBND các huyện, thành phố phân cấp cho cấp xã về phân bổ ngân sách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động hơn trong tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế các đại biểu nêu trong phiên giải trình, chất vấn. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác thẩm định, phê duyệt hạng mục tu bổ, không để phát sinh sai phạm.