Bắc Giang đã hỗ trợ 260.088 người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại UBND tỉnh và UBND 10 huyện, thành phố.
Qua giám sát, đa số các đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo, kịp thời theo đúng các nội dung của Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang.
Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ |
Theo đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch; thành lập Hội đồng thẩm định do Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm Chủ tịch Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, UBND các xã, phường, thị trấn cũng thành lập Ban rà soát thực hiện chính sách hỗ trợ cấp xã. Công tác phối hợp giữa các doanh nghiệp, đơn vị và ngành chức năng được đảm bảo theo quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của đơn vị, cá nhân về việc thực hiện chính sách hỗ trợ.
Toàn tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 260.088 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, lao động đang mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động với tổng số tiền hỗ trợ gần 391 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 260.088 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền gần 391 tỷ đồng |
Đoàn giám sát đánh giá và ghi nhận sự phối hợp để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ nhanh nhất; giải đáp vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong quá trình triển khai thực hiện trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Mặc dù công việc này rất phức tạp, cần nhiều thời gian nhưng các địa phương đã nỗ lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là tính tự giác, trung thực trong kê khai của các đối tượng được thụ hưởng.
Đoàn giám sát đề nghị các địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác rà soát, nhất là người lao động về quê, lao động nhảy việc, công tác lưu trữ hồ sơ.
Ngoài ra, Đoàn giám sát đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương để tổng hợp kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét.