Bắc Giang: Công nghiệp là động lực chính cho phát triển kinh tế
Họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX Bắc Giang sẵn sàng cho Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thanh niên Bắc Giang: Đoàn kết, sáng tạo, lan tỏa |
Tiến gần hơn tới mục tiêu tỉnh công nghiệp
Báo cáo của Sở công thương Bắc Giang cho thấy, cơ cấu kinh tế giai đoạn 2015-2020 tiếp tục dịch chuyển đúng hướng. Ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục xu hướng tăng mạnh từ 42,5% năm 2015 và 57,6% năm 2019.
Ngành công nghiệp phát triển nhanh và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và chiếm tỷ trong ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế (năm 2020 ước chiếm 48,8% năm, tăng 14,9% so với năm 2015).
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 291.400 tỷ đồng, vượt 25% mục tiêu đề ra.
Chưa đầy 5 năm, Bắc Giang đã có thêm 2.946 cơ sở sản xuất công nghiệp mới so với năm 2015. Số lao động trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh cũng tăng tương ứng là 116.103 người so với năm 2015, đưa tổng số lao động toàn ngành con số 231.498 người.
Các sản phẩm công nghiệp cũng ngày càng phong phú, đa dạng, đặc biệt là nhóm hàng Điện tử, may mặc, phân bón, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản...
Tỉnh đã hình thành và phát triển được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn như: Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và SP quang học; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất trang phục (các sản phẩm này chiếm khoảng 75% cơ cấu ngành).
“Trong các ngành công nghiệp, điện tử và dệt may là ngành có mức tăng trưởng cao nhất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất và tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh”, đại diện Sở Công thương Bắc Giang cho biết.
Khu công nghiệp Vân Trung - Việt Yên - Bắc Giang nhìn từ trên cao |
Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp lớn tại tỉnh Bắc Giang vẫn giữ được sản xuất ổn định và có mức tăng trưởng khá như: Công ty Fuhong; Công ty Cổ phần may Bắc Giang, Công ty may xuất khẩu Hà Phong, Công ty TNHH KOVI; Công ty Vina Solar Technology; Công ty TNHH Luxshare ICT, Công ty TNHH Newwing, Cty TNHH Seflex...
Hiện Bắc Giang đang có khoảng 10 doanh nghiệp nổi bật có giá trị sản xuất đạt trên 1.000 tỷ đồng tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh.
Về hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Phạm Công Toản cho biết: Từ 27 cụm công nghiệp năm 2015, đến nay Bắc Giang đã phát triển được 40 cụm công nghiệp, thu hút 186 dự án đầu tư; trong đó 176 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang triển khai; vốn đăng ký 32.765 tỷ đồng; vốn đã thực hiện ước đạt 8.675 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động với thu nhập trung bình từ 4,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Những con số ấn tượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong 5 năm qua đã giúp Bắc Giang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp.
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bắc Giang có mức tăng trưởng vượt bậc, tăng từ đạt 2.458 triệu USD (năm 2015) lên 9.179 triệu USD (năm 2019); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 là 44,6%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của Bắc Giang ước đạt 5.449 triệu USD, là 1 trong 10 tỉnh thành xuất khẩu nhiều nhất cả nước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Bắc Giang chủ yếu là: hàng may mặc, thiết bị, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Trong đó, hàng điện tử (chiếm 55%), may mặc (chiếm 40%) và nông sản (chiếm 2%). Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaisia, Indonesia, Ấn độ, Mỹ, Canada, Nga, Uzebekistan, Asean…
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng đều qua từng năm, từ 16.980 tỷ đồng (năm 2015) đến 28.326 tỷ đồng (năm 2019). Tốc độ tăng trưởng bình quân là 16,7%.
Hoạt động thương mại đã thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Số lượng lao động của ngành đứng thứ ba, chỉ sau ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Lao động làm việc trong ngành đã lên đến con số 13.814 người (năm 2019), chiếm 7% tổng lao động xã hội.
Thu nhập bình quân của người lao động trong ngành thương mại cũng không ngừng tăng qua các năm, đạt mức 72 triệu đồng/người/năm (năm 2019).
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Với tốc độ tăng trưởng cao liên tục và kết quả thu hút đầu tư ấn tượng, Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cơ bản trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cổng vào khu công nghiệp Vân Trung |
Đại diện Sở Công thương Bắc Giang cho biết: Trong 10 năm tới ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành chiếm tỉ trọng chủ yếu.
Trong đó, công nghiệp cơ khí (máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, sản xuất chi tiết máy, ôtô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo, khuôn mẫu; Công nghiệp điện-điện tử (linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị điện, đồ gia dụng, thiết bị điện tử y tế), dự kiến đến năm 2030 chiếm tỉ trọng khoảng 60,12%; chế biến nông lâm sản (bảo quản, chế biến sau thu hoạch quả, rau; sản phẩm chế biến rau, quả, gỗ bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu), công nghiệp may mặc (may mặc thời trang, linh kiện ngành may mặc, dệt nhuộm) và công nghiệp khác như sản xuất thức ăn chăn nuôi, dược phẩm sẽ là những ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Bắc Giang tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và một phần nhỏ vào cụm công nghiệp; Mục tiêu đến năm 2050 thành lập mới 40 cụm công nghiệp, mở rộng 3 cụm công nghiệp hiện có.
Để đạt được mục tiêu này, Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc quy hoạch, phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp dọc các trục giao thông chính.
Tỉnh sẽ quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông đường bộ; cung cấp điện, nước; dịch vụ vận tải… phục vụ cho mở rộng, phát triển các cụm công nghiệp.
Tỉnh cũng sẽ khuyến khích ưu đãi các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp. Cùng với đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Với tinh thần đổi mới, bám sát mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế, ngành Công thương Bắc Giang chủ động xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án, các cơ chế, chính sách góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Đồng thời, ngành sẽtham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời định hướng và có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH cho Bắc Giang, xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.