Bắc Giang chuẩn bị hàng loạt phương án hỗ trợ nông dân "đại thắng" vụ vải thiều năm 2020
Theo báo cáo, năm 2020 tỉnh Bắc Giang có khoảng 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng dự kiến đạt hơn 100 nghìn tấn. Trong đó vải sớm khoảng 6 nghìn ha, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/5 với sản lượng trên dưới 40 nghìn tấn. Vải chính vụ, vải muộn khoảng 22 nghìn ha, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10/6 -15/7 với sản lượng khoảng 100 nghìn tấn.
Năm 2020 tỉnh Bắc Giang có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng dự kiến đạt 160 nghìn tấn. |
Trong đó, huyện Lục Ngạn có gần 15,3 nghìn ha vải thiều, trong đó 218 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, riêng thị trường Nhật Bản là 50 ha. Vừa qua, huyện phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cấp 15 mã số vùng trồng cho 84 hộ dân, với diện tích 77 ha tại các xã: Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn và Hộ Đáp.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao chất lượng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Vải thiều Bắc Giang dự kiến cho thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 -15/7 |
Để chủ động trong công tác tiêu thụ quả vải thiều, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang xây dựng kế hoạch, phương án để xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều với nhiều kịch bản. Bên cạnh các thị trường truyền thống là Trung Quốc, tỉnh đã xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Ngoài thị trường nước ngoài, tỉnh Bắc Giang đã mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, các thương nhân phân phối, chợ đầu mối tại các thành phố lớn, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Phấn đấu tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 60% tổng sản lượng. Ngoài ra, tiến hành mời gọi doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ quả vải.
Nhiều kịch bản, phương án đã được tỉnh Bắc Giang đề ra để giúp người dân yên tâm chăm sóc do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 |
Trong tình huống nếu tình tình dịch bệnh Covid -19 có diễn biến thuận lợi, xuất khẩu vải ổn định thì Sở Công thương sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, tổ chức chương trình xuất hành đoàn xe vải thiều đầu tiên xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc và đi Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid - 19 thì Sở Công thương sẽ phối hợp và đề nghị với các cơ quan đơn vị của Bộ Công Thương như: Cục Xúc tiến thương mại; Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ ; Vụ thị trường châu Á - châu Phi tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá với các kênh phân phối thông qua hạ tầng Internet như tạo lập kênh, nhóm là thành viên đại diện các tập đoàn phân phối, các chợ đầu mối, qua báo chí, mạng xã hội để giúp người dân nắm được thông tin sản lượng, thời gian thu hoạch quả vải thiều.
Quả vải thiều ở Bắc Giang được đánh giá có chất lượng thơm, ngon và đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới |
Cụ thể, trong trường hợp xuất khẩu đạt 50% sản lượng so với năm 2019 (năm 2019 đạt 100.000 tấn) thì sẽ phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải tươi trong nước khoảng 110 nghìn tấn.
Nếu thông qua các chợ đầu mối lớn như: Thủ Đức; Bình Điền - TP HCM; Giầu Dây - Đồng Nai; chợ Phùng Khoang, chợ Long Biên; Hòa Cường - Đà Nẵng... thì sẽ tiêu thụ được khoảng 40 nghìn tấn.
Liên kết với các Tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị như Aoen, Central Group, Lotte, Big C, Saigon.coop, Happro ... vv với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 nghìn tấn.
Kết nối với các doanh nghiệp chế biến như Công ty Đồng Giao; Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C; Công ty CP xuất nhập khẩu VIFOCO; Công ty Dũng Sỹ; Rồng Đỏ; XNK trái cây Chánh Thu ... vv với sản lượng tiêu thụ ước tính khoảng 15 nghìn tấn.
Nếu kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc thuận lợi, thời gian thông quan được kéo dài, khả năng xuất khẩu đạt 80% thì số lượng vải tiêu thụ trong nước còn lại khoảng 80 nghìn tấn. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho các tiểu thương thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố bằng xe tải nhỏ (xe cóc) với sản lượng chừng 25 nghìn tấn. Số còn lại khoảng 20 nghìn tấn thì sẽ hướng dẫn bà con trồng vải phân loại, đưa loại vải 2,3 vào sấy khô, đống hộp hoặc ép nước.
Nếu trong trường hợp kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc thuận lợi, thời gian thông quan được kéo dài, khả năng xuất khẩu đạt 80% thì số lượng vải tiêu thụ trong nước còn lại khoảng 80 nghìn tấn.
Cứ đến vụ vải, hàng trăm tiểu thương lại về thu mua vải thiều để chở đi bán lẻ tại nhiều tỉnh với sản lượng tiêu thụ khoảng 15 nghìn tấn |
Trong trường hợp này, tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ với các chợ đầu mối lớn trên cả nước với lượng tiêu thụ khoảng 35 nghìn tấn, các Tập đoàn phân phối bán lẻ khoảng 8 nghìn tấn, các công ty chế biến, xuất nhập khẩu khoảng 12 nghìn tấn. Ngoài ra là các tiểu thương thu mua mang đi các tỉnh bán lẻ khoảng 15 nghìn tấn, còn lại khoảng 10 nghìn tấn chuyển sang chế biến sấy khô, đóng hộp, ép nước.
Có thể thấy rằng, việc đề ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể để xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020 của tỉnh Bắc Giang trước tình hình dịch bệnh Covdi - 19 đã giúp người dân yên tâm chăm sóc, không phải lo lắng đầu ra cho quả vải. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quyết liệt bắt tay triển khai các kế hoạch như đã đề ra để người dân có một vụ vải thiều đại thắng cả về chất lượng lẫn kinh tế.