Ảnh hưởng của dịch Covid-19: Bài 1- Khi giọt nước tràn ly...
"Đóng băng" dịch vụ để chung tay phòng chống Covid-19 Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh Ly hôn tăng đột biến do ở nhà với nhau quá nhiều thời Covid-19 LTS: Các cơ quan báo chí ở Việt Nam, dù hiện vẫn đang được xếp vào nhóm đơn vị sự nghiệp, nhưng phần lớn vận hành như một doanh nghiệp, nhiều cơ quan báo chí phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, cạnh tranh thông tin và cạnh tranh công chúng mỗi ngày như một yêu cầu tất yếu để tồn tại.
Giờ đây, đại dịch Covid-19 như giọt nước tràn ly đẩy báo chí vào tình huống “tay bấu mép vực”, kiệt sức lúc nào không hay... bởi vừa phải gồng mình chạy đua thông tin, tác nghiệp trong nguy hiểm, canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền khi doanh thu sụt giảm trầm trọng...
Năm 2020 dấu mốc của 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam có lẽ đang trở thành một năm sóng gió chưa từng thấy của báo chí nước nhà. Hơn lúc nào hết, báo chí đang cần một cuộc “giải cứu”, những hỗ trợ thiết thực, các giải pháp “gỡ khó” cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ có loạt bài phản ánh xung quanh những vấn đề đang rất "nóng" này.
Nhọc nhằn hai chữ: tự chủ
Đại dịch Covid-19 như giọt nước tràn ly, khiến cơn bĩ cực ấy như "đợt sóng thần" đe dọa sự tồn vong của báo chí.
Báo chí hiện nay đang tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, toàn ngành sẽ sắp xếp và cơ cấu lại. Trong quá trình triển khai lộ trình này, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các toà soạn đều có xu hướng bước ra tự chủ về tài chính. Trong khi đó, mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn hơn.
Theo thông tin từ Cục Báo chí, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Theo đó, năm 2019, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 36% và số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm tỷ lệ 25%. Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng (trong đó báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng). So với năm 2018, tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử có tăng nhưng không đáng kể.
Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí.(Ảnh: minh họa - internet)
Bên cạnh đó, trong số 72 cơ quan phát thanh truyền hình, số cơ quan tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên là 16, số cơ quan tự chủ một phần là 51, số cơ quan được NSNN đảm bảo chi thường xuyên là 5. Tổng doanh thu của năm 2019 đạt 11.394 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018, nhưng doanh thu quảng cáo lại giảm. Theo báo cáo của một số Đài PTTH, số nộp NSNN giảm do doanh thu giảm.
Phần đa các cơ quan báo chí hoạt động trong sự eo hẹp về kinh phí, các khoản thu từ phát hành, quảng cáo, tổ chức các sự kiện không dôi dư nhiều. Nhưng bằng sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của các thủ lĩnh báo chí, đã có rất nhiều cú "lội ngược dòng", nhiều hướng đi “đổi mới”, các cơ quan báo chí “năng nhặt chặt bị”, "chung lưng đấu cật" cố gắng vượt qua sóng gió.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc nhận định: "Hiệu suất lao động của báo chí trong năm qua tuy không cao nhưng những giá trị do báo chí mang lại vô cùng to lớn. Báo chí tuyên truyền tạo niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ; là hình ảnh Việt Nam tăng trưởng trên các lĩnh vực. Tất cả đang cùng hướng tới tương lai rộng mở. Giá trị vật chất mà báo chí mang lại thậm chí là nhiều tỷ đô và hơn thế, đó là niềm tin vào thể chế quốc gia đang trên đà cường thịnh".
Đó thực sự là sự tưởng thưởng cho những nhọc nhằn mà các cơ quan báo chí phải vượt qua để có được sự tự chủ về tài chính và làm tròn sứ mệnh thông tin của mình.
Đại dịch và giọt nước tràn ly
Vẫn nhớ, thời kì sụt giảm ấn phẩm báo in, người đọc chuyển sang đọc tin tức trên thiết bị điện tử, nguồn thu quảng cáo dịch chuyển mau chóng sang túi các ông lớn mạng xã hội (như Facebook, YouTube (của Google)), báo chí bị đặt trước áp lực lớn phải đổi mới để thích ứng với bối cảnh của kỷ nguyên số.
Và đi cùng với mức độ mở cửa và hội nhập cao của nền kinh tế, số người dùng Internet và điện thoại thông minh nằm trong tốp tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội cũng nằm trong nhóm phổ biến cao nhất, báo chí Việt Nam không khác biệt so với thị trường báo chí thế giới và do đó không đứng ngoài những thách thức và khó khăn chung của ngành truyền thông toàn cầu. Thế rồi chúng ta liên tục xoay trục, chuyển đổi mô hình, thay đổi cách làm…để bắt nhịp, vực dậy. Dẫu sao thời điểm đó, vẫn còn có những ngách nhỏ để đi, những lối mòn để mở.
Nhà báo tác nghiệp đầy vất vả trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: nguoiduatin)
Còn bây giờ, khó khăn chồng khó khăn, đại dịch Covid-19 như giọt nước tràn ly đe dọa nghiêm trọng tới kinh tế báo chí. Bài toán kinh tế báo chí lúc này thực sự khó giải và như một cách “thử lửa” với những người lãnh đạo báo chí. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chưa có những thống kê chính thức về thiệt hại trong doanh thu của ngành báo nhưng theo đánh giá từ một số tòa soạn thì từ đầu năm tới nay, vấn đề “chỉ chi mà không thu” đang là thực trạng đáng báo động của nhiều cơ quan báo chí phải tự chủ.
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ Đô Nguyễn Mạnh Hưng cho biết: "Do tình hình dịch bệnh nên doanh thu của Báo bị sút giảm nghiêm trọng. Tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn đều thắt chặt chi tiêu quảng cáo, truyền thông, mức giảm trung bình lên đến 80%. Cá biệt một số tập đoàn cắt toàn bộ chi tiêu truyền thông trong giai đoạn này. Các hợp đồng truyền thông, quảng cáo ký 2019 cũng không thu được tiền. Hợp đồng quảng cáo năm 2020 không ký được. Từ đầu năm toàn chi, không thu, lượng tin bài tuyên truyền lớn khiến chi phí nhuận bút tăng. Các giải pháp phòng dịch cho phóng viên và chi phí trang thiết bị để đáp ứng môi trường dịch chi tăng rất nhiều... Doanh thu phát hành của Báo không đáp ứng đủ chi phí in ấn. Tổng doanh thu của Báo chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước".
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ Đô.
Trong khi đó, các tòa soạn vừa phải gánh trọng trách tuyên truyền, bám sát nhịp thở thông tin, các phóng viên vẫn phải ngày đêm miệt mài làm việc trong một môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm để cung cấp thông tin chính xác đầy đủ, kịp thời tới công chúng. Đó là sứ mệnh không thể khác của “những người chiến sĩ trên mặt trận thông tin” ở mọi thời kì. Chỉ có điều, người làm báo không sợ khó khăn trong tác nghiệp, không sợ áp lực thông tin nhưng lại sợ vô cùng cơn bão khủng hoảng tài chính, có sức công phá khủng khiếp tới mọi nỗ lực tồn tại của báo chí thời điểm này.
Theo đánh giá của nhà báo Nguyễn Bá Kiên – Tổng Biên tập báo Giao thông: "Chúng tôi ví khó khăn của báo chí giai đoạn này chẳng khác nào các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt là người ta hạn chế đi lại nên không đọc báo in nhiều. Các doanh nghiệp khó khăn, cắt giảm hỗ trợ khâu truyền thông, quảng cáo. Trong khi đó, báo chí chủ yếu sống bằng phát hành và quảng cáo thì thời điểm này đều bị cắt giảm rất nặng nề. Báo điện tử thì lượng bạn đọc tăng gấp đôi nhưng... không ai quảng cáo. Dịch vụ quảng cáo từ Google Adsense không đáng bao nhiêu, không thể bù đắp được".
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên – Tổng Biên tập báo Giao thông
Ông Kiên cũng đặc biệt trăn trở về tình hình khó khăn của báo in hiện nay. Bởi tờ báo của ông đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch này khi nguồn phát hành chủ yếu của báo dựa vào các doanh nghiệp vận tải như Vietnam Arlines, đường sắt, một số hãng vận tải lớn, bến tàu bến xe... thì nay đã bị cắt hết. Theo tính toán đến thời điểm này, số lượng cắt giảm lên đến 45%. Thậm chí khó khăn đến mức, báo đã phải tính đến cả việc: Liệu có nên phát hành báo in nữa hay không?...
Đồng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập báo Lao động cũng phân tích tình hình khó khăn hiện nay ở nhiều góc độ. Ông cho rằng, trước hết sự ảnh hưởng nhìn thấy rõ nhất là phát hành và quảng cáo. Chẳng hạn như phát hành của báo Lao Động đến thời điểm này sụt giảm 20%, quảng cáo thì gần như bằng 0. Bên cạnh đó là ở vấn đề tổ chức sự kiện, thế mạnh của báo thường chiếm 20- 30% doanh thu hàng năm nhưng trong quý I cũng không thực hiện được sự kiện nào.
Nhà báo Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng Biên tập báo Lao Động.
"Tôi nghĩ là các cơ quan báo chí khác cũng đang khó khăn như chúng tôi. Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, làm việc online là chính nên cũng có những cơ quan dừng không mua báo in vì họ không đến cơ quan làm việc nhiều. Ngoài ra, một số tờ báo in ở phía Bắc phát hành vào phía Nam cũng bị ảnh hưởng về thời gian phát hành vì gần như các chuyến bay phải dừng, thời gian giao báo ở các địa phương cũng chậm do hạn chế xe khách... Nói chung khó khăn rất nhiều với các cơ quan báo chí thời điểm này” – Nhà báo Đình Chúc chia sẻ.
Có thể nói, báo chí đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó, khi mà lượng người xem thì tăng đột ngột nhưng tiền thì lại giảm sút vì quảng cáo “mất mùa”, phát hành gần như “đóng băng” trong khi vẫn phải tác nghiệp trên tuyến đầu thông tin nhiều nguy hiểm. Khán giả, độc giả thì muốn cập nhật thông tin mới nhất, nhưng cơ quan báo chí thì thiếu tài chính, cái khó bó cái khôn, tháo gỡ như thế nào thì vẫn phải giải được bài toán trả lương, trả nhuận bút cho người lao động... Các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí phải tự chủ về tài chính dường như đã “kiệt sức”, việc lên tiếng “cầu cứu” cũng là vạn bất đắc dĩ, không còn lựa chọn nào hơn...
Đón đọc Bài 2: Gỡ hướng nào cũng vướng