5 năm thực hiện Chương trình 03-CTr/TU: Kinh tế Thủ đô khởi sắc từng ngày

Hà Nội đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Thủ đô.
Muôn trái tim Thủ đô hướng về đại hội Tuyên truyền an toàn giao thông tới học sinh Thủ đô Lãnh đạo thành phố duyệt nội dung công tác phục vụ Đại hội XVII Đảng TP Hà Nội

Trên tinh thần chủ động, sâu sát và quyết liệt, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 đã tích cực phát huy vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội; đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; Tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tại các Hội nghị “Hà Nội h hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016.

Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục có sự tăng trưởng khá, qua đó đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới): bình quân 4 năm 2016-2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,93%) và cùng kỳ cả nước (6,72%); quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; GRDP bình quân đầu người 119,65 triệu đồng, tương đương 5.160 USD.

Hà Nội đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế-xã hội
Hà Nội đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Tính chung 5 năm (2016-2020), GRDP ước tăng 7,39% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 7,3-7,8%); GRDP/người đạt 127,6 triệu đồng, tương đương 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Đặc biệt, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP (từ 37,50% năm 2015 lên 39,2% năm 2019).

Thực tế những năm qua, bối cảnh kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, khiến cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình 03 gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước phát triển vững chắc.

Trong đó, cải cách hành chính (CCHC) được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện tại các cơ quan, đơn vị, tạo được chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bản Thủ đô.

Năm 2019, chỉ số CCHC (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 07 bậc so với năm 2015; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc so với năm 2017.

Bên cạnh đó, để thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Hà Nội đã thành lập được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Thường xuyên tổ chức định kỳ các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư…

Nhờ đó, 5 năm qua, Hà Nội đã thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiệu lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét.

Thành phố đặt mục tiêu “đến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”, kết quả, năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018); xếp ở vị trí 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015.

Tổng kết lại Chương trình 03 cho thấy, sau 5 năm triển khai, 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến kết quả thực hiện có một chỉ tiêu chính và một chỉ tiêu thành phần đã đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm so với kế hoạch) đó là: Số lượng khách du lịch hằng năm (Kế hoạch năm 2020 đạt 18 triệu lượt, trong đó 4,1-4,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2018 đã đạt 26,3 triệu lượt khách, trong đó 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 đạt 28,94 triệu lượt, trong đó 7,03 triệu lượt khách quốc tế) và chỉ tiêu thành phần “Xếp hạng chỉ số PCI – Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” (Kế hoạch năm 2020 đạt tốp 10/63; năm 2019 đạt 9/63).

Hai chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (Kế hoạch năm 2020 là 20%; thực hiện đạt khoảng 12,8%) và năng suất lao động xã hội tăng bình quân (Kế hoạch tăng bình quân 5,44%-5,87%/năm; thực hiện đạt 6,15%/năm). Bên cạnh đó, có 8 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công; Tăng tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4.

Đồng thời, thành phố khuyến khích khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực phù hợp với từng lĩnh vực để từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) tạo nền tảng cho chính quyền điện tử, thành phố thông minh, bắt kịp và khai thác thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tiếp tục thu hút và giải ngân đầu tư trong nước và các dự án ODA, FDI.

Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực kinh tế; Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động