Xuất khẩu Việt Nam gặp khó vì thương chiến Mỹ - Trung
Đại gia bán lẻ Thái Lan muốn tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam Mực chế biến của Việt Nam xuất sang Nhật Bản giá thấp hơn Thái Lan Nông thủy sản Việt điêu đứng vì không xuất được sang Trung Quốc |
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu từ 7%-8% trong năm 2019.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ).
Ảnh minh họa. |
Khác với thời gian trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước trong 7 tháng đầu năm 2019 không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo,... của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu; những cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tiết giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Tuy vậy, xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đưa ra vào cuối tháng 7/2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức 3,2%, giảm 0,4% so với năm 2018, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc dự báo chỉ đạt 6%, của khu vực châu Âu là 1,3%, đều thấp hơn năm trước. Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của năm 2018.
Bên cạnh đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Đặc biệt tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua vào Mỹ cũng đi kèm với rủi ro có thể sẽ chịu những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu, hạn chế thương mại từ phía Mỹ.
Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc v.v...
Trong khi đó, mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp.
Ngoài ra, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam; truyền thông các nước Nam Âu (Rumani, Tây Ban Nha) tiếp tục bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam; các nước sản xuất đang gia tăng sản lượng sản xuất cá tra (Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc).
Trong bối cảnh đó, Cục Xuất nhập khẩu dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.