Xử phạt hành chính Chi Cục trưởng... "uống rượu vào nhưng vẫn lái xe"
Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP Thanh Hoá bị đầu độc bằng cyanua Khởi tố Phó chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn Đình chỉ công tác 15 ngày Chi cục trưởng Hải quan La Lay |
Mấy ngày nay, vụ việc Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang là ông Lại Quốc Đạt lái ôtô phóng nhanh, lạng lách trên đường, có dấu hiệu sử dụng rượu bia gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đang "tạo sóng" trên các diễn đàn.
Theo những gì người dân ghi hình lại và chứng kiến thì khi đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Tuyên Quang tiếp cận và dừng phương tiện, phát hiện ông Đạt nồng nặc mùi rượu, chân đứng không vững nên đã yêu cầu ông này lên xe về trụ sở đội để đo nồng độ cồn.
Lúc này, ông Đạt không chấp hành mà còn tát thẳng vào mặt một trung úy CSGT, không dừng lại ở đó, vị chi cục trưởng còn túm cổ áo nhằm quật ngã, kèm theo lời lẽ coi thường, xúc phạm người thi hành nhiệm vụ. Toàn bộ sự việc đã được người dân chứng kiến và ghi lại.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy ông Đạt vi phạm ở mức 0,4 miligam/1 lít khí thở, vượt ngưỡng mức phạt cao nhất theo quy định.
Đội CSGT Công an TP Tuyên Quang cho biết đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Đạt 3 triệu đồng về hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Ngoài ra, đơn vị cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Công an tỉnh Tuyên Quang trình lãnh đạo UBND tỉnh xử phạt ông Đạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng về lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ngoài việc xử phạt hành chính vì vi phạm nồng độ cồn, hành vi của Chi Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Tuyên Quang có dấu hiệu hình sự.
Theo luật sư Diện, với việc không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT, túm cổ áo và có lời nói xúc phạm người đang làm nhiệm vụ, hành vi của ông Đạt đã có dấu hiệu của tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự. Ông Diện cho hay nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ xác định ông Đạt vi phạm pháp luật về hình sự thì theo khoản 1 Điều 330, người vi phạm có thể bị phạt bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, luật sư Diện cho rằng ngoài vi phạm luật giao thông đường bộ, ông Đạt còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ công chức được quy định trong Luật Cán bộ, công chức.
Hiện trường vụ việc (Ảnh cắt từ clip) |
Có cùng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định bản thân ông Đạt là cán bộ, công chức. Song người này không chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia; khi bị kiểm tra còn dùng vũ lực cản trở hoạt động công vụ, gây bức xúc trong dư luận.
Còn về phía lực lượng CSGT, cơ quan công an khẳng định, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang không có hành vi "tát" CSGT và đã nộp phạt 38 triệu đồng.
Cụ thể, vị lãnh đạo này cho biết, không có việc tát vào mặt CSGT như một số người dân và trang mạng phản ánh. Ông Đạt chỉ có hành vi túm cổ áo, giằng co với cán bộ CSGT.
Do vậy, ông này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và hành vi vi phạm nồng độ cồn theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Hưng, quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang thì vi phạm của ông Đạt là quá rõ ràng.
Đến nay, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cũng đã báo cáo vụ việc này đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang là sẽ xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và chính quyền.
Việc người vi phạm “to tiếng” với lực lượng CSGT khi thi hành công vụ không phải là hiếm, trước đó, dư luận cũng xôn xao về việc Phạm Thị Mỹ Linh (khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mới 18 tuổi) đã có hành vi dùng tay "xô" CSGT, tát "nhẹ" vào mặt người thi hành công vụ. TAND Quận 12 (TP HCM) khi đó đã tuyên phạt Mỹ Linh 9 tháng tù về hành vi “chống người thi hành công vụ”.