Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đề xuất xử phạt cả hành khách và nhà xe vi phạm

Không chỉ xử phạt nhà xe mà nên xử lý cả hành khách vi phạm thì mới có thể hạn chế được nạn "xe dù, bến cóc" ở Hà Nội.
Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê Xe dù, bến cóc Hà Nội: Biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải mưu sinh Liệu có tình trạng "trên quyết liệt, dưới lỏng tay" trong việc xử lý xe dù, bến cóc tại Hà Nội

Doanh nghiệp phải làm lớn

Ông Lê Viết Huy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn – Hải Vân, cho hay: “Là một đơn vị vận tải trên tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội nên có các điểm chung chuyển cụ thể. Chúng tôi sẽ dùng xe nhỏ được cấp phép của hãng chuyển từ văn phòng sẽ tập hợp hành khách và hàng hóa, sau đó tới bến xe cho đủ chuyến để đưa hành khách từ Hà Nội về Lào Cai nhằm giúp cho hành khách thuận tiện cho việc đi lại mà không làm gia tăng chi phí.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đề xuất xử phạt cả hành khách và nhà xe vi phạm
Tình trạng xe khách dừng đỗ đón trả khách diễn ra thường xuyên nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để

Anh Huy cho biết thêm: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng, như sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, chỉ cần gọi điện tới tổng đài là biết khách hàng cũ hay mới; Hay đặt vé được ưu tiên mà sử dụng công nghệ số vào bán vé xe khách, khách hàng sẽ nhìn thấy được ghế nào trống, ghế nào mình thích để chọn ghế ngồi phù hợp giống như mua vé máy bay. Điểm khác biệt là khi hủy vé, khách hàng sẽ không mất tiền hoặc bị chuyển sang chuyển khác”.

Nói về việc "làm sao để xóa được nạn xe dù, bến cóc", anh Huy cho rằng: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng xe đù, bến cóc, bắt khách dọc đường nhưng việc hạn chế sẽ có thể làm được. Khi sử dụng công nghệ vào thu hút khách hàng thì phải đầu tư lớn, có uy tín... đảm bảo cho khách hàng thuận tiện; đáp ứng nhu cầu; chất lượng xe phải đảm bảo, đúng giờ xuất phát, lái xe an toàn; từ đó sẽ thu hút được khách hàng đến với hãng xe, đến với văn phòng hoặc đến bến nhiều hơn”.

Đề xuất cắm điểm đón trả khách an toàn

Trên thực tế, ý thức của người dân vẫn còn kém. Mặc dù ngay trước cửa bến nhưng hành khách vẫn vô tư đón xe mà không vào bến.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đề xuất xử phạt cả hành khách và nhà xe vi phạm
Không chỉ xử phạt nhà xe mà cần xử lý cả những hành khách đón xe không đúng quy định

Chủ doanh nghiệp Hà Sơn – Hải Vân chia sẻ thêm: “Theo tôi, hành khách đón xe ở đường cũng cần bị xử phạt cùng với cả lái xe, nhà xe thì mới đảm bảo công bằng và có tính răn đe .

Các doanh nghiệp làm chuẩn, nhất quyết không bắt khách dọc đường thì người dân sẽ tự ý vào bến xe để mua vé. Nếu chỉ một hay vài đơn vị nhỏ lẻ làm chuẩn thì họ sẽ không có khách dẫn tới doanh thu sụt giảm. Doanh nghiệp cũng đề xuất TP Hà Nội cắm thêm một số điểm đón xe đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hành khách nhằm giảm chi phí, đường đi cho hành khách từ một số khu vực tới bến xe xa như bến Nước Ngầm, Yên Nghĩa hay Gia Lâm…

Ngoài ra, chúng tôi lấy giá vé cao hơn hành khách vẫn đồng ý vì họ đi từ đầu tới cuối bến mà không mất thời gian dừng nghỉ nhiều.

Tôi cũng mong muốn lực lượng chức năng có khảo sát các xe có chất lượng cao thì nên tăng chuyến, còn những xe có chất lượng thấp, hay không đảm bảo thì hạn chế sẽ làm giảm đi tình trạng "xe dù, bến cóc", bắt khách dọc đường”.

Bến xe nâng cao hơn chất lượng phục vụ

Nhằm nâng cao ý thức của người dân vào bến xe đón xe đúng quy định thì việc các bến xe nâng cao được chất lượng cũng là góp phần giảm thiểu nạn "xe dù, bến cóc", bắt khách dọc đường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm, cho hay: “Về việc thu hút hành khách vào trong bến thì chúng tôi đã nâng cao hạ tầng và chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn, phương tiện đảm bảo quy định của Nhà nước theo tiêu chuẩn. Khi có vấn đề gì hành khách phản ánh về nhà xe trong bến thì bến xe sẽ có trách nhiệm giải quyết, ví dụ như tăng giá vé, không có chỗ ngồi…”.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đề xuất xử phạt cả hành khách và nhà xe vi phạm
Chất lượng bến xe phải được cải thiện và nâng cao hơn để thu hút hành khách vào bến

Ông Lý Trường Sơn – Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, chia sẻ: “Về phía bến xe, chúng tôi đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để sẵn sàng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho những hành khách khi mua vé tại quầy bán vé. Sự khác biệt lớn nhất khi khách hàng mua vé ở bến và dùng “xe dù, bến cóc” là chất lượng xe. Đối với mỗi khách hàng khi mua vé ở bến xe sẽ được nhà xe đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chỗ ngồi, giá vé…”.

Đề xuất xử lý hành khách vi phạm và sự quyết liệt của lực lượng chức năng

Bàn về việc xử lý vi phạm cả hành khách và nhà xe, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc bến xe Gia Lâm, chia sẻ: “Để xử phạt hành khách thì rất khó, việc xử lý người đi bộ sang đường không đúng quy định vẫn chưa đạt được hiệu quả nhất định…; phạt tiền, thu bằng lái xe thì thuận lợi hơn; Xử lý phải đồng bộ, đều đặn trên địa bàn toàn thành phố, tránh việc xử lý được điểm này lại phát sinh điểm khác.

Mấu chốt là tổ chức giao thông một cách hợp lý, có các điểm đón trả khách phù hợp trên một số điểm đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách; Kiểm soát chặt "xe dù", xe hợp đồng trá hình thì mới đảm bảo công bằng... vì xe khách vào bến đóng đầy đủ nghĩa vụ cho Nhà nước, còn "xe dù" thì không.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đề xuất xử phạt cả hành khách và nhà xe vi phạm
Lực lượng chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn

Cũng có nhiều tâm huyết trong vận tải hành khách, ông Lý Trường Sơn – Giám đốc Bến xe Mỹ Đình đề xuất một số giải pháp giảm thiểu nạn "xe dù, bến cóc", bắt khách dọc đường: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình tại những khu vực nóng về nạn “bến cóc”; có hình thức xử lý thật nghiêm đối với các hãng xe vi phạm.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, giải quyết những tồn tại trên cần một lộ trình dài hạn; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải; giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời; xác định rõ trách nhiệm của địa phương liên quan. Việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt.

Về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho Nhân dân; Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện...; Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, TP khác phát triển hệ thống xe buýt kế cận; phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối thẳng từ trung tâm đô thị hay các khu du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô.

Nhóm PV
Phiên bản di động