Xây xong hơn 9 tháng, cống “tiền tỷ” vẫn bị chặn không cho dân qua
Suối Ia Kiar nằm trên con đường liên xã “độc đạo”, nối liền từ thị trấn Phú Túc vào các làng thuộc xã Ia Mlá và xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Mỗi lúc mưa lũ về, hàng trăm hộ dân của xã Đất Bằng và làng Tân Tuk (xã Ia Mlá) bị cô lập. Đặc biệt, nông sản bà con làm ra cũng mất giá vì chi phí vận chuyển quá cao khi qua suối.
Nhằm giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện, tỉnh Gia Lai đã làm một tràn nước ngang qua suối Ia Kiar. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước dân cao liên tục khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nguy hiểm.
Dù đã xây xong, nhưng công xã Ia Mlá vẫn chưa được bàn giao để người dân đưa vào sử dụng. Mặt khác, cống còn bị đội thi công chặn lại |
Đến cuối năm 2018, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) đã đầu tư kinh phí xây dựng 3 cầu và cống tại huyện Krông Pa gồm: Blúk, Chư Tẻ, Ia Kiar thuộc Dự án thành phần 5 tỉnh Gia Lai, Hợp phần cầu-Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP). Tổng Cục đường bộ Việt Nam giao Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư Dự án thành phần 5 tỉnh Gia Lai; Liên doanh Công ty TNHH MTV XD 470, Công ty TNHH MTV Hoàng Hải, Công ty tư vấn xây dựng 533 là đơn vị thi công và tư vấn giám sát Dự án thành phần 5 tỉnh Gia Lai.
Riêng công trình cống suối Ia Kiar có tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 1/2018. Đến tháng 5/2019, cống Ia Mlá bắc ngang suối Ia Kiar được hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhân dân xã Ia Mlá. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, công trình này vẫn chưa được bàn giao để đưa vào sử dụng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đặc biệt, đội thi công đã đổ cát trên cống để chặn không cho người dân đi trên cầu. Chính vì vậy, hàng trăm hộ dân khi lưu thông qua cống Ia Mlá đều phải đi dưới lội suối. Việc vận chuyển nông sản, hàng hóa còn khó khăn hơn lúc chưa xây cống.
Nhiều người rất bức xúc vì cống làm xong nhưng không được sử dụng, phải đi dưới suối |
Trao đổi với chúng tôi, Vũ Quang Huy (Chủ tịch UBND xã Ia Mlá) cho hay: “Tuyến đường này ngoài việc giúp vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân thì còn để các phương tiện vào ra ứng cứu nếu Hồ chứa Ia Mlá xảy ra sự cố. Khi thi công xong, một cá nhân ở xã đã múc đất đổ trên mặt cống để chặn người dân đi lại trên cầu vì sợ hỏng khi cầu chưa được bàn giao. Cử tri kiến nghị việc này suốt. Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản kiến nghị cấp trên có biện pháp giải quyết việc này nhưng chưa có kết quả.”
“Theo thông tin làm việc với anh Đặng Văn Dũng (người đổ đất lên mặt cống) để giải tỏa tạo điều kiện cho bà con đi lại nhưng anh ấy không đồng ý. Lý do anh Dũng đưa ra là do Công ty TNHH MTV Hoàng Hải chưa thanh toán tiền làm cầu lại cho đội thi công. Đồng thời, cống này xây xong cũng chưa được bàn giao, phần vì sợ người dân đi qua lại bị hư hỏng cống thì công ty lại không chịu trách nhiệm”, ông Huy cho biết thêm.
Ông Đặng Văn Dũng lý giải: “Công ty TNHH MTV Hoàng Hải thuê tôi và một vài người khác tham gia làm cống suối Ia Kiar. Riêng tổng tiền công của tôi là 280 triệu đồng nhưng khi làm xong cống thì công ty ấy mới đưa 40 triệu. Tôi đòi miết nhưng công ty ấy không thanh toán hết số tiền và vì chưa tổ chức bàn giao, nghiệm thu nên tôi đổ đất lấp cống. Tôi đổ đất để bảo vệ công trình thôi”.
Nhiều lần xã đã đề xuất, giải quyết nhưng vẫn không có hiệu quả do mâu thuẫn về tài chính giữa các bên |
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Việt (Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết: “Công trình cống suối Ia Kiar nằm trong Dự án thành phần 5 tỉnh Gia Lai thuộc Hợp phần cầu-Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương do Tổng Cục đường bộ Việt Nam đầu tư kinh phí xây dựng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4 ký hợp đồng với chúng tôi để đôn đốc thi công các công trình tại tỉnh cho kịp tiến độ thôi. Mới đây, Tổng Cục đường bộ Việt Nam có văn bản thông báo kết quả nghiệm thu công trình. Sắp tới họ sẽ tổ chức lễ bàn giao công trình cống suối Ia Kiar”.