Xây dựng báo cáo chính trị bảo đảm thực tiễn, khoa học, trách nhiệm
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tiếp thu tại Hội nghị |
Xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay mặt Tiểu ban Văn kiện trình bày Báo cáo đề dẫn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã làm rõ nhiều nội dung trọng yếu cần xin ý kiến các đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, chủ đề Đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Phương châm của đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Dự thảo Báo cáo chính trị chia làm 2 phần. Bên cạnh phần đánh giá tổng quát, nêu những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và 5 bài học kinh nghiệm, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp.
Về 3 khâu đột phá, dự thảo Báo cáo chính trị xác định: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô; Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội nghị
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố; Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế… xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; Phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên; Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc
Cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị, các cán bộ nguyên lãnh đạo thành phố đánh giá, Dự thảo đã được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Đặc biệt, Thành ủy có hẳn chương trình nghiên cứu khoa học để phục vụ xây dựng Báo cáo chính trị, nên các nội dung dự thảo bảo đảm căn cứ lý luận, thực tiễn, có độ tin cậy và khoa học cao.
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt phát biểu tại Hội nghị
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bày tỏ vui mừng khi nhận thấy Dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị đến nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu; Từ bố cục, văn phong, biên tập kỹ lưỡng; Nhiều phần viết sâu sắc, có tính khái quát cao. Đồng chí cũng đánh giá cao kết quả của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong nhiệm kỳ qua, vị thế của Thủ đô đã chứng minh qua đóng góp cho chung đất nước. Nội dung này đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị một cách rất xác đáng.
Đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh mẽ cho Hà Nội. Đồng chí cũng đề nghị phần về xây dựng Đảng trong Dự thảo cần được viết sâu đậm hơn.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đề nghị Tiểu ban Văn kiện cần rà soát lại các nội dung để cân đối hài hòa giữa định lượng và định tính, chỗ nào cần định lượng, chỗ nào cần định tính cho phù hợp, thuyết phục. Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng Đại hội XVII Đảng bộ thành phố sẽ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tạo tiếng nói thống nhất trong Đảng, trong dân.
Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu để trình ra Đại hội. Tuy nhiên, nội dung vẫn hơi dài (70 trang), còn quá nhiều số liệu, nên thu gọn lại còn 50 trang, phần số liệu ưu tiên đưa vào phần phụ lục. Góp ý cụ thể về chủ đề, đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho rằng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là cao nhất, trên cả “gương mẫu”, nên không cần đưa yếu tố gương mẫu vào thành tố thứ hai của chủ đề.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại Hội nghị
Đề cập đến bốn thành tố của Chủ đề Đại hội là đúng, hay và hợp lý, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ góp ý thêm, để Đại hội này thật sự ghi lại dấu ấn trong lịch sử, làm sao để khác biệt so với những Đại hội trước và sau, nên bổ sung thành tố phấn đấu đến năm 2025 là Thủ đô đang phát triển giàu đep, văn minh, hiện đại có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là Thủ đô phát triển có thu nhập cao theo định hướng chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, trong 3 khâu đột phá, cần nhấn mạnh yếu tố văn hóa để đây thực sự là nguồn lực không những cho chính phát triển văn hóa mà còn là nguồn lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm các nội dung như: Cần viết sâu sắc hơn kết quả phòng, chống Covid-19; Chú trọng thêm nội dung khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai, trong đó có giải pháp khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, có cơ chế kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo quy định; quan tâm, làm rõ hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường từ thành thị tới nông thôn…
Dự thảo phải làm rõ được yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân, giảm áp lực cho khu vực nội đô. Giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ với việc di dời các cơ sở sản xuất, các trường học, bệnh viên ra khỏi khu vực nội đô.
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây Phạm Đình Hoan đề nghị Dự thảo Báo cáo chính trị cần làm sâu sắc thêm các giải pháp nhằm phát huy vai trò của Nhân dân theo đúng tinh thần “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”; Đồng thời đề ra nhiều giải pháp về công tác cán bộ, nhất là đánh giá đúng người, đúng việc, lựa chọn được người tài phục vụ cho thành phố…
Phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, đây là hội nghị đầu tiên lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. 13 ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo thành phố rất đa dạng, tâm huyết, bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thường vụ Thành ủy cũng thể hiện sự yên tâm trước chất lượng Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội, cả về bố cục, chủ đề, phương châm cũng như các nội dung cụ thể…
Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Thành ủy sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu thực hiện để có báo cáo chính trị thật sự chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao nhất của của Thành ủy khoá XVI đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tới.