Xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô

Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 4 nội dung mục đích, yêu cầu; Trong đó nêu rõ, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô gặp mặt 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam Chọn việc trọng điểm, tạo chuyển biến rõ rệt cho diện mạo Thủ đô Khơi thông vướng mắc để Thủ đô Hà Nội tạo nên những kỳ tích mới

Quyết tâm đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống

Sáng 28/6, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày Tờ trình và dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15).

Xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày Tờ trình và dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dự thảo Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng các chương trình, nhiệm vụ, đề án để triển khai thực hiện.

Dự thảo Chương trình xác định 4 nội dung mục đích, yêu cầu, trong đó nêu rõ, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và đến năm 2045 cơ bản bám sát theo các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết 15; Đồng thời, có bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã được nêu trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, dự thảo Chương trình cơ bản bám sát 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết 15; Đồng thời, cụ thể hóa, bổ sung, làm rõ nội hàm từng nhiệm vụ, giải pháp thông qua chắt lọc các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và một số Nghị quyết, chủ trương mới của Thành ủy thời gian qua.

Đáng chú ý, theo 4 phụ lục kèm theo dự thảo Chương trình, có 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm đã được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết 15.

Xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày tóm tắt các tờ trình

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày tóm tắt tờ trình về các nội dung: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố; Báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; Phân cấp quản lý Nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội.

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho thấy, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân Thủ đô, thành phố đã kiểm soát tốt dịch COVID -19; Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế. Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 56,8% dự toán năm.

Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ: GRDP 6 tháng tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021; Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8% - cao hơn cùng kỳ (8,4%).

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Thành phố cũng đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý, thành phố đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31.

Xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô
Quang cảnh hội nghị

Về đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn, theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc thực hiện phân cấp, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các chủ thể được ủy quyền.

Tuy nhiên, để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tế và thực hiện các chủ trương của Đảng về khâu đột phá chiến lực về hoàn thiện thể chế, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát sinh và xu thế vận động của xã hội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề án hướng tới mục tiêu: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; Bảo đảm vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố; Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành; Khai thác hiệu quả và giải phóng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện đã tự bảo đảm ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại...

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã trình bày báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn trình bày Chương trình phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

*Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, hội nghị chia thành 4 tổ tiếp tục làm việc. Theo chương trình, hội nghị dành cả buổi chiều tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình.

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành
Phiên bản di động