WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ
Hơn 70.000 ca đậu mùa khỉ, 36 ca tử vong
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 31/10, đã có tổng cộng 77.264 ca được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ thông qua kết quả xét nghiệm, trong đó có 36 trường hợp đã tử vong.
Hồi tháng 7, WHO lần đầu tiên ban bố PHEIC đối với dịch đậu mùa khỉ để kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế và có thể thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh.
Kể từ tháng 1, WHO đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ từ 109 nước thành viên trên toàn bộ 6 khu vực của WHO.
Từ ngày 13/5, dịch bệnh đậu mùa khỉ đặc biệt lây lan nhanh tại những nước chưa từng ghi nhận ca mắc bệnh này.
Hiện Mỹ là nước có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới với 28.377 ca trong đó có 6 ca tử vong theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) nước này.
Hiện trên thế giới ghi nhận tổng cộng 77.264 ca được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 36 trường hợp đã tử vong |
Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ trong cộng đồng
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ trong cộng đồng, ngoại trừ 2 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh khi từ nước ngoài trở về, dương tính với đậu mùa khỉ đã được cách ly và và điều trị.
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, nguồn xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay vẫn từ nước ngoài. Do vậy, ưu tiên tập tủng giám sát các sân bay quốc tế. Bộ Y tế cũng yêu cầu cần chuẩn bị các phương án tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu.
Trong ngày 1/11, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã bố trí một Khoa Kiểm dịch y tế với 30 nhân viên chia làm 3 ca trực mỗi ca có 9 người liên tục, tại tất cả các điểm tiếp xúc với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Sân bay đã bố trí tất cả các phương tiện, pano, áp phích để truyền thông, các phương tiện cấp cứu cũng đã cơ bản được đáp ứng.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc tại Sân bay Nội Bài |
Cảng hàng không Nội Bài đã bố trí ưu tiên cho lực lượng y tế để sắp xếp các phòng cách ly cũng như lưu đồ để chuyển bệnh nhân sau khi cách ly xuống các khoa cấp cứu và vận hành hệ thống cấp cứu đến các bệnh viện trung ương và da liễu trên địa bàn.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Viện đã bố trí khá tốt quy trình tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ khâu tiếp đón ban đầu tới khu hành chính và phòng khám của các bác sỹ.
Tiến sỹ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, trưởng đoàn công tác số 2 của Bộ Y tế cho hay, khi một bác sĩ phát hiện ra ca bệnh nghi ngờ thì việc đầu tiên là cảnh báo, gọi cho đường dây nóng, tức là trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện để kích hoạt hội chẩn, chẩn đoán xem bệnh nhân có nghi ngờ đậu mùa khỉ hay không. Khi có nghi ngờ đậu mùa khỉ thì ưu tiên số 1 là gọi cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bệnh viện này sẽ sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Ông cũng cho hay, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 2 cơ sở để tiếp nhận người bệnh đậu mùa khỉ nếu có. Trong trường hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân nhiều hơn khả năng thu dung thì lúc đó tại Hà Nội đã bố trí Bệnh viện Đa khoa Đống Đa để tiếp nhận bệnh nhân.