Vượt biên trái phép mùa dịch: Bản án “lớn” chờ sẵn

Hành vi vượt biên không qua con đường chính ngạch là hành vi trái quy định của pháp luật. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, hành vi vượt biên trái phép không những bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự mà còn bị cả xã hội lên án mạnh mẽ.
Lào Cai: Ra lệnh bắt giam với hai đối tượng vượt biên trái phép Phát hiện 12 công dân vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam Quảng Nam: Lập chốt dọc biên giới ngăn chặn người vượt biên trái phép về nước trốn cách ly

Việc qua lại lãnh thổ một quốc gia không tuân theo quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của quốc gia sở tại được coi là hành vi vượt biên trái phép. Ở nước ta, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có nhiều hình thức xử lý khác nhau, thậm chí sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Vượt biên trái phép không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

Căn cứ tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi:qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

Và tại Điểm b Khoản 1 Điều 67 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã là phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với người vượt biên trái phép

Vượt biên trái phép nếu thỏa mãn miêu tả tại Điều 346 LHS 2015 về tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới (cụ thể ở đây là vượt biên mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh), đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tái phạm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ một 1 năm đến 5 năm.

Vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh xử lý thế nào?

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, vì vậy xét tính chất mức độ nghiêm trọng của vấn đề thì hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh có thể bị khởi tố theo khoản 2 điều 346 BLHS 2015 với tình tiết "phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới" nếu hành vi đó làm lây lan dịch, ảnh hưởng đến khu vực biên giới nơi người đó vượt biên trái phép vào Việt Nam.

Hoặc, hành vi vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh có thể bị khởi tố theo điều 240 BLHS 2015 (Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người), cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bản án chờ sẵn cho các đối tượng vượt biên trái phép

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tăng ở các quốc gia trên thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đồng lòng nỗ lực từng ngày, từng giờ để phòng ngừa, ngăn chặn dịch. Vậy nhưng vẫn còn những đối tượng vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể mà sẵn sàng thực hiện hành vi đe dọa an ninh quốc gia, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Hành vi của các đối tượng đó bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Những ngày cuối tháng 4, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ bắt giữ Trần Mạnh Hùng (32 tuổi, trú xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), Hùng là người vượt biên trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vào tối 25/4.

Nhận thấy đây là đối tượng có hành vi đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động lực lượng truy bắt, đồng thời phát động người dân tham gia tố giác.

Sau một thời gian ngắn truy tìm, đến khoảng 11 giờ 30 ngày 29/4, lực lượng chức năng nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc phát hiện thanh niên có đặc điểm nhận dạng giống với Hùng, đang có hành vi vượt hàng rào phía sau dãy nhà trọ ở Khu 5 (phường Vân Phú, TP Việt Trì, Phú Thọ).

Đối với các hành vi mà Hùng thực hiện, Hùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh: vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh và trốn khỏi nơi cách ly tập trung.

Với mức phạt về hành vi vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh như trên, hành vi trốn khỏi nơi cách ly của Hùng có thể áp dụng Điều 10 của Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng và có thể đối mặt với bản án hình sự lên đến 10 năm tù, bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng theo Điều 315, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Doãn Hưng - Hoa Thành
Phiên bản di động