Vững tin bứt phá thành công
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên hành lang phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, nước ta đã vượt qua “sóng lớn” với nhiều kỳ tích từ sức mạnh “ý Đảng” hợp với “lòng dân”; Kinh tế- xã hội phục hồi và có bước phát triển vượt bậc…
Cuộc phục hồi ngoạn mục
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021.
Cụ thể, đã có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước tăng 16,8% dự toán; Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%; Xuất siêu đạt 4 tỷ USD…
“Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.
Bước vào năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ, song, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước, đối tác quan trọng của ta tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.
Trong bối cảnh đó, để triển khai hiệu quả các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (gồm 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể), Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (với 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm), Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ.
Thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Phó Thủ tướng cho biết, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; Đồng thời yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội với 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; Tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Khẩn trương triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát; Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; Cùng với đó, là đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Các bộ, ngành tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững; Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; Điều hành, bình ổn giá; Thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; Có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.
Vững tin bứt phá thành công (Ảnh minh họa) |
Dành tâm sức, nguồn lực lớn cho hạ tầng
Khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” cho phục hồi kinh tế.
Trong số đó, một mũi nhọn đầu tư của Nhà nước là tập trung vào cơ sở hạ tầng, giao thông, từ đó dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chỉ tính riêng về hạ tầng đường cao tốc, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng 1.900km, với nguồn lực trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc - dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026.
Với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng, các dự án giao thông chiếm ưu tiên đặc biệt trong chương trình nghị sự của Chính phủ nhiệm kỳ này ngay sau khi kiện toàn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng trình các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đạt mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Nhiều vấn đề vướng mắc đã có cơ chế, phương thức hoặc đường hướng để giải quyết, như vấn đề chỉ định thầu với một số gói thầu, vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án…
Quyết tâm của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ, ngành, các công trường thi công. Các dự án chậm đã dần lấy lại tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh. Hàng loạt dự án giao thông đồng loạt tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được giao.
Hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược trên cả nước đang ngày càng rõ nét, với các công trình trọng điểm được thúc đẩy như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía bắc, các tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây…
Những dự án này sẽ giúp từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược.
Những dấu ấn, thành tựu về tăng trưởng, phát triển kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung trong thời gian qua tạo thêm niềm tin vững chắc cho Nhân dân. Với tinh thần và trách nhiệm lớn của cả hệ thống chính trị, chắc chắn đất nước Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, tuy còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng cũng đầy ắp quyết tâm bứt phá và niềm tin thắng lợi.