Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn

Thành công của IPPG là đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế - xã hội nước nhà!

Đối với tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, sự thành công của IPPG không nằm ở danh mục đầu tư mà ở sự đóng góp của mỗi ngành kinh doanh của tập đoàn vào sự thịnh vượng của nền kinh tế và xã hội nước nhà.
Hệ sinh thái doanh nghiệp Tập đoàn IPPG: Điểm sáng về hiệu quả kinh doanh

Nhạy bén trong kinh doanh

Nói đến Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) thì không ai không biết đến vị tỷ phú với cái tên Việt kiều là Johnathan Hạnh Nguyễn. Ông là người thuyền trưởng đã lèo lái tập đoàn trong suốt 37 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Tập đoàn IPPG dưới sự dẫn dắt của ông đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn lên đến hàng triệu USD với doanh thu gần cả tỷ USD và mang đến khoảng 30.000 việc làm cho lao động Việt Nam.

Tập đoàn IPPG từ lâu đã được biết tới là "Vua hàng hiệu" ở Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, thời trang được doanh nghiệp thực hiện thông qua các công ty con để phân phối loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Rolex, Bvlagri, Burberry, Levi’s, Nike, Mango...

Mới đây, Tập đoàn IPPG đã công bố kết quả kinh doanh mảng thời trang (IPPG Fashion Retail) trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy sự linh hoạt trong điều hành kinh doanh của gia đình tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn.

Nửa đầu năm 2022, IPPG Fashion Retail ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.564 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 386,6 tỷ đồng, tăng 173% so với mức 141,8 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời vượt kết quả của cả năm 2020.

Thành công của IPPG là đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế - xã hội nước nhà!
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG

Tập đoàn IPPG dự kiến doanh thu cả năm 2022 của mảng thời trang sẽ vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng, EBITDA trên 547 tỷ đồng. Nếu đạt đúng kế hoạch đưa ra, đây sẽ là năm có kết quả kinh doanh cao nhất kể từ năm 2019.

Không chỉ nổi danh trong lĩnh vực hàng hiệu, tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có những thương vụ đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng hàng không, điển hình là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã CK: SAS) - nhà cung cấp dịch vụ phi hàng không dẫn đầu tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong quý II/2022, Sasco ghi nhận gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 216% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về khoản lợi nhuận trước thuế gần 84 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 14,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất tính theo quý trong vòng ba năm qua và lớn hơn lợi nhuận sáu quý liền trước cộng lại, đồng thời đưa lợi nhuận công ty trở về giai đoạn trước dịch COVID-19.

Tính chung nửa đầu năm nay, Sasco thu 427 tỷ đồng, hoàn thành gần 32% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng và vượt 5% so với kế hoạch. Biên lợi nhuận ròng giai đoạn này đạt 20%, tức cứ thu 100 đồng thì công ty lãi 20 đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Từ những kết quả kinh doanh trên, có thể thấy dưới sự lãnh đạo của ông "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, nhiều mảng kinh doanh của Tập đoàn IPPG đạt lợi nhuận lớn, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị trên thế giới gây ra.

Làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm

Thông điệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất rõ ràng ngay từ khi khởi nghiệp, với vị doanh nhân này, Tập đoàn IPPG sẽ không ngừng nỗ lực đột phá bằng tư duy rộng mở và tinh thần cầu tiến. Với mô hình kinh doanh tiên phong sáng tạo, không ngừng cải tiến, công ty sẽ tiếp tục mở rộng và hướng tới sự phát triển bền vững vì cộng động.

Thành công của IPPG là đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế - xã hội nước nhà!
Việc lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa IPP Airgo là tâm huyết của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

"Sự thành công tại IPPG không nằm ở danh mục đầu tư mà ở sự đóng góp của mỗi ngành kinh doanh của Tập đoàn vào sự thịnh vượng của nền kinh tế và xã hội nước nhà", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi các làn sóng dịch COVID-19 ập đến kéo theo những khó khăn, biến động, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đất nước càng khó khăn, với ông Johnathan Hạnh Nguyễn thì làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm.

"Ngay từ những ngày đầu trở về đất nước cho đến nay, tôi đã tâm niệm là một doanh nhân, làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm. Khi đất nước cần thì chúng ta có. Vì vậy, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa cho xã hội và xem đó như là trách nhiệm của một doanh nhân đối với đất nước", ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng chia sẻ.

Minh chứng cho sự tâm huyết của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là việc ông luôn trăn trở và mong chờ đến ngày hãng hàng không chuyên chở hành hóa IPP Air Cargo được cất cánh trên bầu trời.

Vì sao một tỷ phú "tiền không thiếu" như ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại trăn trở, bởi ngoài lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, ông còn muốn đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế, sánh vai với các cường quốc và cũng bởi ông thấy sự lãng phí khi vận chuyển hàng hóa trên bầu trời ở Việt Nam đang để cho các hãng bay nước ngoài thâu tóm.

Được biết, cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các cộng sự đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu và kỹ lưỡng trước khi đệ trình đề xuất của mình lên cơ quan quản lý Nhà nước đề án thành lập hãng hàng không này.

"Chúng tôi đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực, không chỉ phục vụ việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics bao gồm Công ty Bellazio Logistics cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistic sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Văn Huy
Phiên bản di động