Vụ việc SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán nhà Nước

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập.
Kiểm toán chuyển 19 vụ có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra Chưa cán bộ Kiểm toán Nhà nước nào bị xử lý vì bỏ lọt vi phạm

Sáng 5/6, chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho hay, vụ việc của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Đại biểu Mai Văn Hải chia sẻ, theo thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của Ngân hàng SCB tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của Ngân hàng SCB vừa qua?

Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, vụ việc Ngân hàng SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước.

Vụ việc SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán nhà Nước
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Theo quy định, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng, thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán.

Nói thêm về nội dung kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với hệ thống kiểm toán, chúng ta có 2 hệ thống kiểm toán.

Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của Nhà nước.

Vụ việc SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán nhà Nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.

Nhánh thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo luật kiêm toán độc lập. Tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam.

Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê.

Kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ Tài chính đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.

Hậu Lộc
Phiên bản di động