Vụ nhiễm trùng sau bơm ngực ở Bắc Giang: Khách hàng có quyền yêu cầu Hương Ý Spa phải bồi thường

Liên quan những vi phạm ở cơ sở thẩm mỹ tại Hương Ý Spa tại TDP My Điền, TT Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nữ công nhân trong vụ việc hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ cơ sở Hương Ý Spa bồi thường.
Vụ nữ công nhân bị nhiễm trùng sau bơm ngực ở Bắc Giang: Cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui Bắc Giang: Nữ công nhân bị sưng tấy, chảy dịch vùng ngực sau khi tiêm filler ở spa

Trước đó, Tuổi trẻ và Pháp luật đã đưa tin về việc nữ công nhân tại khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) đã bị sưng tấy, chảy dịch vùng ngực sau khi tiêm filler tại Hương Ý Spa ở thị Trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động của cơ sở này.

Cụ thể cơ sở này có 3 hành vi vi phạm hành chính gồm: Thứ nhất: Không thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải thành lập hộ kinh doanh; thứ hai: Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; thứ ba: Sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng các bộ phận trên cơ thể tại cơ sở không có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Vụ nhiễm trùng sau bơm ngực ở Bắc Giang: Khách hàng có quyền yêu cầu Hương Ý Spa phải bồi thường
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Hương Ý spa của bà Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên). (Ảnh chụp ngày 7/7- BBG)

Về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng huyện Việt Yên là bằng chứng để nữ công nhân tại khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) sử dụng làm căn cứ buộc Hương Ý Spa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đã có hành vi xâm phạm sức khỏe của mình.

Cụ thể: Bộ luật dân sự năm 2015 tại điều 584 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường,…”.

Việc bồi thường theo nguyên tắc được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015:“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Trường hợp khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Vụ nhiễm trùng sau bơm ngực ở Bắc Giang: Khách hàng có quyền yêu cầu Hương Ý Spa phải bồi thường
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nữ công nhân trong vụ việc hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ cơ sở Hương Ý Spa bồi thường

Về mức bổi thường do sức khỏe bị xâm phạm được quy định cụ thể tại điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trong vụ việc này hai bên cần thương lượng với nhau để thống nhất được thiệt hại, mức độ bồi thường, phương thức chi trả. Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 6/7, chị N.T.Tr (SN 1998), quê ở huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) có tố cáo cơ sở thẩm mỹ Hương Ý Spa, trụ sở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh thiếu trách nhiệm.

Theo phản ánh, ngày 16/6 chị Tr, có đến Hương Ý Spa để tiêm filler (chất làm đầy) vào vòng 1. Theo thỏa thuận, chị Tr phải trả chi phí là 19 triệu đồng. Thế nhưng sau phẫu thuật khoảng 4 giờ, hai bên ngực đau nhức, sau đó sưng tấy khiến chị nhiều lần phải uống thuốc giảm đau.

Những ngày sau, khi vết tiêm trên ngực tiếp tục chảy nhiều dịch, chị Tr. được chủ cơ sở thẩm mỹ tiếp tục kê đơn, hướng dẫn mua thuốc uống, tiêm thuốc tan viêm nhiễm (không rõ thuốc gì) nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, dịch chảy càng nhiều.

undefined
Kết quả siêu âm của chị Tr.

Ngày 6/7, chị Tr. đến Bệnh viện Quân Y 110 khám, điều trị. Kết quả siêu âm tại Bệnh viện cho thấy hai bên ngực bị áp xe, xuất hiện ổ dịch kích thước từ 5-7,5 mm (sau tiêm nâng ngực).

Chị Tr. Cho biết, sau khi trao đổi với chủ cơ sở thẩm mỹ nói trên, người này đổ lỗi do cơ địa của chị Tr. không hợp với thuốc, vệ sinh không đúng cách, vì vậy không chịu trách nhiệm bồi thường và có lời nói thách thức.

Chiều 6/7, chị Tr. đã phản ánh sự việc trên đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, lãnh đạo UBND huyện Việt Yên, đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc.

Thanh Thắng - Khánh Khoa
Phiên bản di động