Vụ cưỡng hôn bị phạt 200 nghìn: Pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất!
Liên quan đến vụ nữ sinh P.H.V. (20 tuổi) bị sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân đã lập biên bản xử phạt hành chính số tiền 200 nghìn đồng đối với Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng), “kẻ biến thái” có hành vi “cưỡng hôn” nữ sinh trên.
Pháp luật trên trời - cuộc đời dưới đất
Ngày 30/5/2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng: “Nhiều dự án còn xa cuộc sống, có những dự án mới đưa ra dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất gay gắt của nhân dân, có người nói rằng “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất. Có qui định chưa đưa vào cuộc sống đã gặp vướng mắc, có những qui định đi vào cuộc sống lại cản trở sự phát triển”.
Với quyết định xử phạt này, dư luận cho rằng, bản án quá nhẹ, không đủ sức răn đe với những hành vi gây nguy hiểm cho phụ nữ.
“Việc xử phạt người đàn ông có hành vi sàm sỡ cô gái 200 nghìn đồng là không tương xứng, không đủ sức răn đe” - Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói với Tuổi trẻ và Pháp luật sáng 20/3.
Theo luật sư Trương Anh Tú, hành vi của người đàn ông trong thang máy bị camera ghi lại cũng như độ tuổi của cả hai người đều không phù hợp để xử lý về hành vi “dâm ô”... mà chỉ có thể xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bày tỏ bức xúc, Chủ tịch Công ty TAT Law firm nói: “Chúng ta cần có sự thay đổi tư duy, góc nhìn mới về hành vi này và xây dựng chế tài chuyên biệt, ít nhất là những điều, khoản, điểm và đặt tên cho nó là “Quấy rối tình dục” để từ đó có mức phạt riêng. Bên cạnh đó, những văn bản dưới luật hiện nay còn nhiều hạn chế cần có những sửa đổi bổ sung, thay thế”.
Luật sư Tú dẫn chứng việc chưa phù hợp trong mức phạt đối với hành vi kém văn hóa có thể ở mức thấp hơn như tiểu đại tiện bừa bãi có thể bị phạt từ 1.000.000-3.000.000 đồng gấp 10 lần hành vi sàm sỡ (mức xử phạt 100.000-300.000 đồng).
“Rõ ràng hành vi của người đàn ông kia nguy hiểm hơn và đáng phải xử phạt ở mức độ lớn hơn so với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Nhưng mức xử phạt theo luật lại quá nhẹ. Qua sự vụ trên, có thể thấy, hiện đang thiếu cơ sở luật pháp để xử lý trường hợp đặc thù này. Bây giờ luật quy định sao thì chúng ta phải thực thi như vậy, vì không có cơ sở để xử phạt nặng hơn. Về lâu dài những hành vi trên có thể được nhìn nhận để phân loại khác đi, chứ không để ở mức độ đơn giản, "nhốt chung một chuồng" với những hành vi đơn giản khác” - Luật sư Tú nói thêm.
Diễn biến sự việc:
Khoảng hơn 22h ngày 4/3, P.H.V (20 tuổi, sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội) trong lúc di chuyển thang máy tại tòa nhà Golden Palm đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị người đàn ông sàm sỡ.
Đoạn video được camera giám sát ghi lại cho thấy, V. ở trong thang máy và một người đàn ông mặc áo kẻ đang có mặt tại đây quay sang bắt chuyện, xin số điện thoại. Không dừng lại đó người này bất ngờ tiến tới ép V. vào một góc thang máy rồi ôm, hôn mặc cho nạn nhân phản kháng.
Sự việc bất ngờ khiến nữ sinh viên này hoảng loạn nhưng may mắn thoát được ra ngoài khi cửa thang máy mở ra. Nạn nhân bị xây xước nhẹ ở tay và mũi. Chị V. sau đó đã làm đơn trình báo tới cơ quan công an và phía công an.
Đến ngày 8/3, sau 2 lần bị triệu tập, Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng) - người đàn ông có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tòa chung cư đã đến công an quận Thanh Xuân làm việc. Người này đã thừa nhận hành vi của mình trong thang máy và bị camera ghi lại.