Vụ cháy làm 8 người chết tại Trung Văn: Những ai có thể bị khởi tố?
Đại tang tại ngôi làng có 5 người chết trong hoả hoạn ở Hà Nội Nguyên nhân nào khiến 8 người bị vùi trong biển lửa tại Trung Văn? Khu nhà xưởng xây dựng không phép, ai chịu trách nhiệm? |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin, chiều 12/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết xảy ra tại ngõ 1 Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" (theo Điều 313 Bộ luật Hình sự), để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khu xưởng sản xuất thùng rác bằng nhựa.
Ngay sau khi vụ hỏa hoạn tại Trung Văn xảy ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tới hiện trường trực tiếp chỉ đạo xử lý hậu quả |
Liên quan tới vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng tại phường Trung Văn, Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Tiến Dũng - Công ty Luật Khoa Tín.
Theo Luật sư Dũng, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định tại điều 313 Bộ luật hình sự 2015, trong đó nguyên nhân cháy có lẽ đã được xác định nhưng chưa công bố.
Trước hết cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra đối với người được coi là chủ khu xưởng bị cháy. Khi xây dựng và đưa nhà xưởng vào hoạt động, người này có tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy không? (bao gồm Luật phòng cháy chữa cháy và Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật PCCC đã được sửa đổi bổ sung).
Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ khu xưởng xảy ra hỏa hoạn |
Cụ thể, qua điều tra nếu có sai sót nào trong việc thiết kế, xin phép xây dựng, hoàn thiện công trình … là nguyên nhân dẫn đến cháy và gây ra thiệt hại thì chủ công trình phải chịu trách nhiệm. Với việc gây ra thiệt hại tính mạng, tài sản của người khác đến mức hình sự thì chủ công trình phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 313 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra đồng thời xác định vai trò của người xưởng để làm nơi sản xuất, cất giữ hàng hóa, đồ đạc. Nếu người thuê cũng có vi phạm, sai sót trong quá trình sử dụng xưởng dẫn đến cháy, gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập theo điều 313 Bộ luật hình sự (nhưng không phải là đồng phạm với chủ sở hữu xưởng).
Luật sư cho biết, người thuê xưởng cũng có thể bị xử lý hình sự khi để xảy ra hỏa hoạn |
Trường hợp chủ xưởng và người thuê có thỏa thuận rằng người thuê phải chịu trách nhiệm về an toàn cháy nổ, đảm bảo không để xảy ra cháy, nêu gây ra cháy, thiệt hại thì người thuê tự chịu trách nhiệm và phải đền bù cho chủ xưởng thì trách nhiệm hình sự của chủ xưởng cũng không được loại trừ.
Bởi theo luật sư Dũng, vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ của mỗi chủ thể là khác nhau, mỗi chủ thể chịu trách nhiệm về an toàn cháy nổ trong các giai đoạn khác nhau.
Cơ quan điều tra đồng thời xác định có hay không hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của những người được giao trách nhiệm quản lý hoạt động xây dựng ở khu vực xảy ra hỏa hoạn mà ở đây là cơ quan quản lý địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Nếu người có trách nhiệm biết hoặc buộc phải biết việc vi phạm này của chủ xưởng nhưng không thực hiện các biện pháp để xử lý theo quy định của luật thì cán bộ quản lý phường Trung Văn cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khởi tố bổ sung vụ án với 1 tội danh khác hoặc khởi tố 1 vụ án độc lập.
Chủ tịch UBND phường Trung Văn đã thừa nhận khu xưởng bị cháy xây trái phép trên đất bãi sông và tồn tại suốt 10 năm nay |
Trước đó khoảng 2h15 ngày 12/4, khu xưởng tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn bốc cháy dữ dội. Hơn 300 người gồm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an, dân quân được huy động dập lửa. Tuy nhiên, do xưởng nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy nên lửa nhanh chóng lan rộng.
Đến 4h, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, cả bốn khu nhà xưởng bị thiêu rụi gồm: xưởng kho lạnh của Công ty CP cơ điện lạnh; xưởng làm hạt chống ẩm của Công ty TNHH Phương Lan; kho chứa đồ gỗ mộc thành phẩm và xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79. Hỏa hoạn thiêu rụi khoảng 500 m2 nhà xưởng, khiến 8 người chết.
Chiều 12/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có công điện yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ cháy làm 8 người chết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với TP Hà Nội điều tra nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; tăng cường hướng dẫn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra những nơi có nguy cơ cháy cao. Các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ bị đình chỉ hoạt động. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do hỏa hoạn, cơ quan quản lý địa bàn cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự |
Trong cuộc trao đổi với PV Tuổi trẻ và Pháp luật, ông Phùng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND phường Trung Văn, khu đất có nhà xưởng bị cháy thuộc đất bãi sông Nhuệ. Người dân tự ý xây dựng để làm nơi sản xuất từ năm 2008-2009. Toàn bộ việc xây dựng này không được cơ quan chức năng chấp thuận, cấp phép.
Về công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại nơi xảy ra hỏa hoạn, ông Dũng cho biết thêm, hằng năm phường có tổ chức tập huấn cho các chủ cơ sở trên địa bàn, vận động người dân thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy.
Mặc dù Chủ tịch UBND phường Trung Văn khẳng định khu nhà xưởng xây trên đất bãi và không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, nhưng không hiểu vì sao khu xưởng rộng gần 1.000m2 vẫn tồn tại nhiều năm qua, hệ quả là 8 người thiệt mạng? Để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng và xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề như vậy, cán bộ quản lý địa phương chịu trách nhiệm như thế nào?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi quá trình điều tra vụ việc trên của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội và thông tin tới bạn đọc.