VPBank giảm tới 1,5% lãi suất cho vay với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch corona
VPBank báo lãi kỷ lục VPBank sạch nợ xấu tại VAMC, báo lãi hàng nghìn tỷ đồng |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa phát đi thông tin về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh do virus corona gây ra.
Theo đó, trong danh mục khách hàng của VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; Lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ).
Ảnh minh họa. |
Các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản và các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc cũng… sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, VPBank cũng giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định như: Thuộc các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và tác động của dịch cúm corona, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nói trên.
Ngoài việc hỗ trợ về chính sách giảm lãi suất cho vay, ngay từ những ngày đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, VPBank đã chủ động tới tận doanh nghiệp để thăm hỏi và tìm hiểu, đánh giá tác động của dịch corona tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, cùng trao đổi và tìm giải pháp kịp thời để khắc phục các khó khăn như giãn nợ, cấu trúc nợ.
Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới để kịp thời có những chỉ đạo và hỗ trợ sát sao đối với các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng, đảm bảo không có doanh nghiệp nào phải chịu tác động kép gây ra do dịch bệnh.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch corona.
Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc hỗ trợ.
Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/1/2019 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
Các ngân hàng đồng thời chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo quy định pháp luật hiện hành và chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phải nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo chỉ đạo của Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định; trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.