Vợ chồng đại gia BĐS Đường Dương có hoạt động kiểu “xã hội đen”?

Vụ việc vợ chồng đại gia Đường Dương vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Cố ý gây thương tích đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ những thông tin người dân phản ánh về hoạt động kiểu “xã hội đen”… đe dọa, chèn ép người dân, doanh nghiệp để công ty trúng thầu hàng chục lô đất.
Vợ chồng đại gia Đường Nhuệ bị bắt, đối diện hình phạt nào? Khởi tố vợ chồng đại gia bất động sản Dương Đường ở Thái Bình

Cần thiết phải mở rộng điều tra vụ án

Nhiều năm qua, người dân ở Thái Bình biết tới vợ chồng Đường “Nhuệ” (Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Xuân Đường) là những doanh nhân giàu có, đại gia bất động sản, đặc biệt rất chịu chơi và chịu chi. Hai vợ chồng từng "nổi đình nổi đám" ở Thái Bình vì trong ngày sinh nhật vợ mình, ông Đường không tiếc tay chi hàng trăm triệu đồng tổ chức tiệc sinh nhật cho vợ, mời hàng loạt những ngôi sao có tên tuổi trong giới showbiz Việt tham dự, biểu diễn.

Đường "Nhuệ" cũng từng gây ra những vụ lùm xùm dư luận ở tỉnh Thái Bình khi năm 2019, một tờ báo đã đăng tải thông tin về việc ông này bị một số người dân tố cáo cho vay nặng lãi, hành hung, cố ý gây thương tích, đe dọa giết người, đòi nợ theo kiểu "xã hội đen"...

Không những vậy, cặp vợ chồng Đường Dương còn nổi tiếng ở Thái Bình với những thương vụ đấu giá bất động sản kiếm hời tiền tỷ khiến nhiều người "kiềng nể". Đáng chú ý là đoạn chia sẻ trên Facebook cá nhân có tên Đường "Nhuệ" được cho là của ông Nguyễn Xuân Đường về một cuộc đấu giá 46 lô đất ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) thì Công ty Đường Dương trúng 30 lô.

Một số tờ báo cũng đã phản ánh, mỗi cuộc đấu giá, bà Dương thường xuất hiện với vị trí là Giám đốc Công ty BĐS Đường Dương, phía ngoài luôn có rất nhiều đối tượng với vẻ ngoài bặm trợn xuất hiện để thị uy và gây sức ép. Cách đây khoảng 2 năm, đã có người bị tay chân của vợ chồng đại gia cho ăn đòn ngay tại nơi bán hồ sơ đăng ký dự thầu.

vo chong dai gia bds duong duong co hoat dong kieu xa hoi den
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình tiến hành khám xét Công ty BĐS Đường Dương của vợ chồng "đại gia" quê lúa

Trao đổi với phóng viên về vụ việc vợ chồng đại gia BĐS Đường, Dương vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt giam, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, dư luận và người dân rất hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an tỉnh Thái Bình trước những đối tượng phạm pháp.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội cho rằng Công an tỉnh Thái Bình cần thiết phải mở rộng điều tra đối với các đối tượng này không chỉ dừng lại ở vụ án "Cố ý gây thương tích" mà còn phải làm rõ những uẩn khúc hoạt động của doanh nghiệp do cặp vợ chồng này làm chủ.

"Việc báo chí phản ánh doanh nghiệp này liên tục đấu giá trúng hàng loạt lô đất đắc địa trên địa bàn, kiếm lời số tiền rất lớn. Đặc biệt, có dấu hiệu hoạt động xã hội đen, o ép người dân và các doanh nghiệp khác gây thất thu nguồn ngân sách... điều này cần phải làm rõ", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, người dân và dư luận rất hoan nghênh tinh thần vào cuộc "mạnh tay" của lực lượng chức năng đối với các đối tượng xã hội đen, giang hồ mạng thời gian vừa qua như vụ việc "Khá Bảnh"... để xã hội thực sự được văn minh, giữ gìn sự thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần làm rõ việc ai bảo kê, đứng sau để các đối tượng lộng hành trên địa bàn thời gian qua mà không bị xử lý.

"Những băng đảng hành xử phi pháp, đòi nợ kiểu xã hội đen, khống chế người dân thì phải xử lý thật mạnh. Nếu địa phương mà để xảy ra tình trạng người dân bị đe dọa, khống chế, giang hồ, xã hội đen lộng hành thì người đứng đầu chính quyền phải có trách nhiệm. Mặt khác phải làm rõ tại sao doanh nghiệp này liên tục đấu giá được những lô đất như thế...", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ thêm.

Có hiện tượng “xã hội đen” lộng hành

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ vào những thông tin cơ quan Công an tỉnh Thái Bình cung cấp thì những bị can này đã có hành vi vi phạm không những chỉ đánh đập gây thương tích cho nạn nhân mà còn bắt giữ nạn nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hai hành vi này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Nạn nhân bị đánh vỡ xương hàm, dập mũi là hậu quả nghiêm trọng, thương tích sẽ trên 11% nên có căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích. Còn đối với hành vi bắt giữ người trái pháp luật cũng sẽ xem xét đủ dấu hiệu cấu thành của tội danh này hay không, nếu đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì sẽ bị xử lý thêm về tội danh này.

Theo Luật sư Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, nguyên nhân, động cơ dẫn đến việc bắt giữ người, gây thương tích.

“Hành vi cụ thể gây ra thương tích cho nạn nhân là gì, ai là người tấn công, có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không, có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Nếu hành vi không phải là phòng vệ chính đáng, không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà gây thương tích cho nạn nhân thì đây là hành vi trái pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, vai trò của từng đối tượng để xác định ai là người chủ mưu, ai là người thực hành, ai là người xúi giục để xác định vai trò đồng phạm (nếu có).

Tất cả những người cùng có mục đích gây thương tích cho nạn nhân thì sẽ bị xử lý cùng tội danh cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra sẽ phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh nội dung này làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

vo chong dai gia bds duong duong co hoat dong kieu xa hoi den
Đường "Nhuệ" bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ sau gần một ngày phát lệnh truy nã

Về thông tin Công ty BĐS Đường Dương có sử dụng nhiều đối tượng bặm trợm, đánh người, tạo sức ép để đấu giá được nhiều lô đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những thông tin này cần phải được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ xem có hiện tượng “xã hội đen” lộng hành?

Theo quy định của pháp luật về hoạt động đấu giá (cụ thể trong trường hợp này là đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) thì những người tham gia đấu giá đều bình đẳng, có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Từ giai đoạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá cho đến phiên đấu giá diễn ra thì những người tham gia đấu giá mua bất động sản đều bình đẳng. Ai trả giá cao nhất và kèm theo đó là đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì trúng.

Những hành vi không mình bạch, mang tính chất đe dọa để trúng được các lô đất là vi phạm các quy định về đấu giá tài sản. Có thể thấy, phản ánh của nhiều người, nhiều tổ chức về việc công ty BĐS Đường Dương hay bà Dương, ông Đường có những hành vi đe dọa, gây thương tích hoặc thủ đoạn khác để ép buộc các đối thủ để cho bản thân và công ty đấu giá trúng các bất động sản trong các dự án đã nêu. Cơ quan điều tra tỉnh Thái Bình cần làm rõ sự việc liệu có sự can thiệp của “xã hội đen” hoặc Công ty Đường Dương, ông Đường, bà Dương có hay không các hành vi như đã phản ánh.

Trường hợp thật sự có các hành vi gây thương tích, éo buộc, đe dọa đối thủ để trúng đấu giá thì cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Khoản 5 Điều 9, Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

2. Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

3. Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

4. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

5. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Điều 218 quy định tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động