Vĩnh Phúc: Tăng cường phòng, chống vi phạm về an toàn thực phẩm
Ngày 25/3, theo thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, với mục tiêu không để gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Theo đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố và Công an xã, phường, thị trấn chú trọng công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của ATTP.
Bắt quả tang 4 công ty bán mật ong giả |
Cụ thể là hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản để nhận biết, lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP. Tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP.
Cơ quan công an đã tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản lĩnh vực ATTP, xác định các chuyên đề, địa bàn, đối tượng đang tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP để chủ động nắm tình hình, tham mưu thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Trong đó, tập trung vào các tuyến đường trọng điểm như tuyến Quốc lộ 2, 2C; đường sắt Hà Nội - Lào Cai; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các đường tỉnh lộ 305; 307; 309... và địa bàn trọng điểm như các chợ đầu mối, kho lạnh bảo quản thực phẩm, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường); xã Hoàng Lâu (Tam Dương); xã Đồng Văn, Tề Lỗ (Yên Lạc); huyện Lập Thạch; TP Vĩnh Yên; TP Phúc Yên.
Sản phẩn của hai công ty sản xuất mật ong có dấu hiệu là hàng giả |
Cơ quan công an cũng thường xuyên phân tích, đánh giá, xác định các loại tội phạm về ATTP theo mức độ như: ít xuất hiện, xuất hiện thường xuyên, loại tội phạm có nguy cơ diễn biến phức tạp; làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm là hoàn toàn truyền thống; đan xen giữa truyền thống và công nghệ, hiện đại hay hoàn toàn công nghệ để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về ATTP.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng lực lượng chức năng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm mật ong của đơn vị sản xuất kinh doanh mật ong trên địa bàn tỉnh |
Trong đó, tập trung vào hành vi sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hàng giả là thực phẩm như giả về nhãn hàng hoá; giả về giá trị sử dụng, công dụng; giả về chỉ tiêu chất lượng, định lượng chất chính...
Đấu tranh với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt là các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP như lập hội, nhóm kín trên không gian mạng để buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.
Các hành vi lợi dụng các trang thương mại điện tử, nền tảng xã hội để quảng cáo, cắt ghép các clip quảng cáo sản phẩm có người nổi tiếng tham gia để thổi phồng tính năng, tác dụng của sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng; tập trung vào các đối tượng có hành vi bảo kê, tiếp tay cho hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP, lạm dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; sữa và các sản phẩm từ sữa bột; rượu thủ công; sản phẩm động vật đông lạnh; thực phẩm chay; phụ gia thực phẩm; thức ăn đường phố; suất ăn công nghiệp...
Bên cạnh kế hoạch thường xuyên, Công an tỉnh sẽ triển khai thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP nhân Tháng hành động ATTP (15/4/2024 đến 15/5/2024); tết Trung thu 2024 và thời gian trước tết Nguyên đán 2025.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đối với hàng hóa là sản phẩm mật ong của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Ong Hòa Bình (địa chỉ thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên); Công ty TNHH Ong Việt (địa chỉ thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên); Công ty TNHH Ong Việt Nhật (địa chỉ thôn 7, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc); Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Tuấn Phương MTV (địa chỉ Khu Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Binh, tỉnh Bắc Ninh) đang thực hiện sản xuất, kinh doanh mật ong.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành tạm giữ 11.099 chai mật ong (các loại chai 600 ml; 800g), giá trị hàng hóa gần 300 triệu đồng của 4 doanh nghiệp nói trên có dấu hiệu là hàng giả.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chuyển giao hồ sơ vụ việc, tang vật cho cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc đối với 4 doanh nghiệp sản xuất mật ong có dấu hiệu tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm.