Vĩnh Phúc: Quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
Đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7413/BTC-ĐT ngày 28/7/2022 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các sở, ngành và huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Công trình cầu Đầm Vạc được khánh thành dịp chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là ban hành kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 thì đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định, bao gồm cả phần vốn được phép chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân.
Ngoài ra, Sở này cần phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc từ khâu lập, thẩm định hồ sơ dự án - thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công, đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định; căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Khánh Linh |
Đồng thời, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung, đến cuối quý III/2022 phải giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn, đến hết ngày 31/1/2023 phải giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên.
Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu nêu trên người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tăng cường công tác, chỉ đạo thường xuyên thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, chấn chỉnh và nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định chủ trương đầu tư; thẩm định dự án - thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Cùng đó tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng công trình; lập hồ sơ thanh, quyết toán các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện.
Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành (xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án kịp thời xử lý các trường hợp khó khăn, vướng mắc; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh dự án đầu tư, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, thanh quyết toán vốn.
Sở Tài chính cân đối các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chi cho đầu tư phát triển theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm đã được HĐND tỉnh giao.
Hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng
Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư. Điển hình là Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 26/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU đã đạt được kết quả khả quan.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 1.030ha đất, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020. UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cưỡng chế 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 2 cuộc bảo vệ thi công.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành các nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng. Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng chấp thuận, thông qua danh mục 139 dự án công trình cần thu hồi đất trong năm 2022. |
Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp; 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.
Sự quyết liệt này đã giúp nhiều dự án hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Điển hình như dự án đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh.
Đến cuối tháng 8/2022, công trình đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên với tổng chiều dài toàn tuyến 4,2km, tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng đã chính thức khánh thành.
Đây là tuyến đường kết nối liên thông Quốc lộ 2B và Quốc lộ 2C, liên kết với đường tỉnh 310, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các khu công nghiệp của các huyện: Tam Dương, Bình Xuyên, Tam Đảo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch khu danh thắng Tây Thiên nói riêng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ của vùng và của tỉnh.
Cùng với đó, nhiều công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng như: Công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307 từ trung tâm huyện Lập Thạch đến Tuyên Quang, đoạn từ Km 16+600 đến Km 25+140; cầu Đầm Vạc; đường vành đai 4 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ quốc lộ 2B đến quốc lộ 2C; đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ đường tỉnh 301 đến Khu du lịch sinh thái thung lũng Thanh Xuân, thành phố Phúc Yên; Quảng trường Văn hóa và Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Yên Lạc; Trường THCS Vĩnh Tường; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế Tam Đảo giai đoạn 3…
Nguồn vốn đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng; trong đó trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác. Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp.
Vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành các nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng. Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng chấp thuận, thông qua danh mục 139 dự án công trình cần thu hồi đất trong năm 2022. Tổng diện tích cần thu hồi là 375,37ha.