Vĩnh Phúc: Không có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tại Vĩnh Phúc không có doanh nghiệp nào phải tạm ngừng hay giảm năng lực sản xuất.
Hơn 44.000 khách vay được ngân hàng hỗ trợ thiệt hại vì Covid-19

Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh có gần 11.000 doanh nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song do chủ động triển khai thực hiện song hành hai nhiệm vụ là phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nên trong những tháng đầu năm 2002, tỉnh này không có doanh nghiệp nào phải tạm ngừng hay giảm năng lực sản xuất.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng 6,53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%. Trong đó, có 16/24 ngành công nghiệp có sản xuất tăng và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng chung của toàn ngành.

vinh phuc khong co doanh nghiep phai tam ngung hoat dong vi dich covid 19
Ảnh minh họa.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu mua, sử dụng hóa chất phun khử khuẩn, nước sát khuẩn khô tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân tăng cao nên lần đầu tiên ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất đã vượt qua ngành sản xuất linh kiện điện tử để vươn lên dẫn đầu danh sách các ngành công nghiệp cấp II có mức tăng cao nhất, với mức tăng 40%, cao gấp đôi so với mức tăng của ngành sản xuất linh kiện điện tử.

Bên cạnh đó, sự chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ mới của các doanh nghiệp trong thời dịch bệnh Covid-19 không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định mà còn khiến hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất linh kiện điện tử đạt 12.237 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2019; sản xuất nước máy thương phẩm tăng xấp xỉ 20%; điện thương phẩm tăng 15,6%; thức ăn gia súc tăng 12,2%; giầy, dép thể thao tăng trên 10%; sản xuất ô tô tăng gần 4%.''

Bên cạnh những ngành có mức tăng trưởng cao, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và quy luật cung – cầu những tháng đầu năm, Vĩnh Phúc có 8 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 7,1%, ngành sản xuất từ khoáng phi kim loại giảm 12,7%, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm gần 48,6%.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, có chính sách giãn, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao số lượng, chất lượng chất lượng các phiên giao dịch việc làm tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cả nước có 17,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 220 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 157,5 nghìn lao động, tăng 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 11,1% về vốn đăng ký và giảm 3,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 11,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng lên 29,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Văn Huy
Phiên bản di động